Con ơi, con đang làm gì?
Dù không đi khám bác sĩ để có kết luận bị bệnh gì, tôi vẫn biết rõ mình bị suy nhược lâu ngày, nhưng cố gắng khuất lấp để vượt qua, để lại trong lòng hố thẳm, cho đến một lúc, nhân trên một chuyến xe đóng cửa bịt bùng với hơi thở của gần chục con người suốt 8 tiếng đồng hồ, tôi đã hụt hơi rơi sâu vào hố thẳm ấy.
Rồi hai ngày trời vật lộn với những cơn đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, choáng váng. Buổi sáng ngày thứ ba, tôi ngồi dậy, xông và tắm. Ăn bữa sáng, uống thêm thuốc bổ và đi ngang phòng con, tôi đã không bước chân vào nữa. Tôi chợt nhận ra, những gì mình giấu đi, lướt qua, gọi là “buông”… bấy lâu chẳng qua là cố khuất lấp, đó chính là những cơn lo lắng gây nên stress mỗi ngày tích tụ. Tôi đã không bị đột quỵ, cũng là một may mắn cho mình. Thay vào đó, cơ thể tôi báo động bằng những triệu chứng ấy.
Gần cả năm trời nay lo cho các con những cuộc thi cử (thật khốn nạn ở Việt Nam bây giờ vẫn là những cuộc thi cử khủng khiếp) và cả những cơn trầm cảm cũng như buồn bã vì tuổi dậy thì, tuổi mới lớn, tuổi của thất vọng và đau khổ, tuổi của dục vọng giới tính, tuổi của những trăn trở làm sao để khẳng định mình. Tôi không nhớ rõ cha mẹ mình đã lo cho mình ở tuổi đó như thế nào, nhưng với tôi, những ngày tháng ngày vừa qua tôi đã dành hết cho con cái, mà cũng không hiểu vì sao mình làm điều đó tận lực như thế.
Tôi quan sát và tìm cách lo cho con đủ thứ, từ vật chất đến tinh thần, từ những buổi tối cùng con đi suốt vài chục cây số để… thư giãn đến khuya mới về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Rồi vẫn còn thao thức, day dứt, trăn trở và nghĩ đến những gì con đang đi đến với tương lai, tôi đã từng bao nhiêu lần “dỗ dành” mình: “Con là niềm vui, là hạnh phúc, là sự ấm êm, là gia đình, là tất cả”… Nhưng có một mặt trái khác mà tôi đã lấp đi: Con cũng là nỗi lo lắng, đau khổ, thất vọng, mệt mỏi, cùng những ngày làm việc vất vả, cật lực để nuôi con.
Tôi đã tự an ủi mình: Con là tất cả đời mình, con trưởng thành là hạnh phúc của mình. Nhưng sự thật hiện tại là: hạnh phúc của tôi không phải là hạnh phúc của chúng. Niềm vui của chúng cũng sẽ không phải là niềm vui của tôi. Những đứa trẻ trưởng thành luôn tự biến chúng thành những ốc đảo, và tôi thì cố bơi đến ốc đảo đó để thúc dục chúng trưởng thành. Để đến một ngày tôi kiệt sức.
Tôi đã tạo ra sai lầm của đời mình.
Tôi đã lấy chồng, sinh con và muốn tạo ra một gia đình êm ấm, thương yêu nhau.
Nhưng cá tính, tri thức, sự hiểu biết trong con người của tôi lại không phù hợp với một gia đình truyền thống để phụ nữ luôn hy sinh còn đàn ông thì được quyền bạo hành với vợ con nhưng luôn xuất hiện ngoài đường với phù hiệu gia đình hạnh phúc.
Tôi luôn phải gắng sức, từ nhỏ.
Tôi luôn gắng sức vì người khác. Tôi luôn muốn làm cho bạn tôi vui, người thân tôi vui, và giờ thì con tôi vui và những người tôi không ưa thích cũng phải làm vừa lòng họ.
Rốt cuộc, tôi đã rơi vào một bi kịch của thân tâm mình: Tôi nằm xuống và than khóc.
Bây giờ mỗi khi tôi nghĩ đến con, tôi lại rơi nước mắt. Vì tôi không biết mình sẽ phải làm gì thêm nữa, và vì vậy tôi muốn buông bỏ hết, để cho chúng tự đi.
Tôi sẽ làm điều đó. Làm gì còn có cách nào khác hơn?
Tôi hy vọng sau khi viết những dòng này, tôi sẽ trở về nhà và bình thản đọc cuốn sách mình thích, nghe bản nhạc mình từng mê say, thay vì lại cất tiếng: “Con ơi, con nên đi tập một môn thể thao đi!”.