Ngày 17-07-2020 (GMT +7)
Nhân vài tranh cãi gần đây về việc khen-chê tác phẩm mới thế nào cho khéo-léo của Nhạc viện, mình mới chợt điểm danh lại xem mình từng xử lý thế nào khi bị chê hay được khen. Mình chỉ đề cập đến những khen chê liên quan đến tác phẩm âm nhạc của mình hay tác phẩm viết trong quá trình học thôi nhé.
1/ “Cậu ngu như bò vậy, rồi sao cậu vào khoa sáng tác?” Ngay hôm trả bài đầu tiên, thầy trưởng khoa nói thẳng vào mặt mình như vậy. Mình vừa mới đi ôn thi Nhạc viện, được cô Nhu Mì giới thiệu đi ôn thầy. Một cậu trai trẻ 18 tuổi với bao háo hức, bao mong đợi “được” tạt thẳng một gáo nước lạnh…
À thiệt ra thì giọng thầy ấm áp lắm. Mình thì vẫn dạ dạ thưa thưa, cười cười nói nói, nhưng trong lòng mình trống rỗng. Ngay tối đó, mình đi học với cô Nhu Mì, nước mắt mình trực trào và kiên quyết không đi ôn thi nữa, mình sẽ bỏ. Thế là cô Nhu Mì phải dành cả một buổi tối “làm việc tư tưởng” với mình là thầy nói cũng có lý do của thầy, nhưng đừng vì điều đó mà mình từ bỏ ước mơ của mình. Sau này, mình mới biết đến “đại ca”, kiêm thần tượng, của mình cũng bị phán y chang ngay ngày đầu vào học. Thì ra, đây là chiêu kích tướng của thầy. Kiểu là: nếu vượt qua được thì phải cố gắng hết sức để học để hành, còn nếu chỉ câu nói nhỏ vậy mà không vượt qua được thì khó mà chịu được áp lực kinh khủng của khoa này.
2/ Khi vào trường rồi, bao nhiêu háo hức mong đợi đi học, thế là được chính thầy dạy sáng tác của mình “tạt” ngay một gáo nước lạnh: “Viết thế này thì viết làm gì? Cậu để người ta đọc thơ còn hay hơn ấy.” Cả tuần viết được vài câu nhạc, hay giỏi lắm là hoàn thiện được một bài, đi tới nơi chỉ để nghe một hay hai câu nói đại ý bỏ đi viết lại. Hồi đó “ức” lắm! Muốn khùng luôn.
Nhưng biết sao được. Cứ cặm cụi viết đi viết lại, viết tới viết lui….. Rồi điều kì diệu cũng đến, hôm thi học kì thầy lấy bài viết đầu tiên nộp. Mình hụt hẫng…. chẳng biết nói sao. Rồi khi đi dạy mình mới hiểu được, chẳng lẽ giờ học trò viết được rồi thì cứ vậy mà cho nó nghỉ thôi sao? Mỗi lần viết, mỗi lần phạm sai lầm là mỗi lần học được điều mới. Chính vì vậy mà cứ viết đi viết lại, quan trọng là mình học được điều gì từ những điều sai đó. Có lẽ chính vì vậy mà bây giờ khi đi dạy học trò, nhìn lỗi sai bọn nhỏ là mình biết hướng nào giúp bọn nhóc ngay.
3/ Rồi năm II Trung cấp, khi mà mình dùng hết “sức-bình-sinh” để viết Nỗi nhớ, song tấu cho cello và piano. Rất nhiều thầy khen vì mới năm II trung cấp mà mình dùng được đối âm đẹp và vừa đủ. Chữ “vừa đủ” trong âm nhạc phải học cả một đời vì thường ai cũng có xu hướng thêm vào cái mình biết cái mình giỏi, hay người không biết gì thì tác phẩm âm nhạc lại quá đơn điệu. Vậy mà bài một đứa trung cấp năm II lại vừa tròn trịa, không quá nổi bật nhưng đầy đặn. Bè cello vừa nghỉ ngơi hay ngân nga thì piano vừa nổi lên để lấp vào chỗ trống, hay ngược lại. Có những cuộc đối thoại dài hơi nhưng cũng có những quyết định vội vàng và khẳng khái. Được bao nhiêu thầy cô khen thì cũng vui thôi. Nhưng bị thầy mình cười và bảo “Viết thế thì ai chả viết được”.
Mình buồn hơn một tháng trời. Rõ ràng đến tận bây giờ nhìn lại những lớp bạn vào thời điểm trung cấp II như mình các bạn còn chẳng viết nổi một câu hòa âm ra hồn chứ đừng nói đến câu chuyện áp dụng nó vào tác phẩm. Vậy mà bao công sức của mình thành “ai cũng làm được”. Nhưng rồi sau này mình mới cảm nhận được thầy mình làm vậy cũng có cái hay của thầy. Một câu thanh niên 20 tuổi với cái “ngông” của những lời khen và đầy hương hoa hồng sẽ chểnh mảng việc học hay tệ hơn là cái tôi cao quá chẳng xem ai ra gì.
4/ Trung cấp năm IV, bài trước khi thi tốt nghiệp môn đối âm là một tác phẩm đối âm ba bè mà mình dành hơn một tháng để hoàn tất. Mình đã thức không biết bao nhiêu đêm để hình thành ý tưởng, hiện thực ý tưởng, kiểm tra lỗi-phải, xem xét những cái mới – cái cũ trong bài của mình, xem thử đâu là yếu tố của “Duy Khang” đâu là yếu tố của “J. S Bach”, nhạc sĩ đưa đối âm lên đỉnh cao. Trong khi cả lớp chỉ có một mình mình nộp bài.
Ấy vậy mà thầy vừa cầm bài vào nhìn qua chưa được năm phút, lên đàn đàn được bốn ô nhịp. Thầy bỏ ra ngoài… hít-thở. Thầy bước vào phòng chỉ bảo: “Bài Khang nặng nề quá. Thầy nghe không nổi.” Vậy là "đi luôn" bài mà mình phải viết cả tháng trời, trong khi những thứ “hay-ho” còn nằm ở những ô nhịp gần cuối mà thầy còn chưa nghe. Thế là công sức cả tháng trời không những không được công nhận trên mặt “tác phẩm âm nhạc” mà ngay đến điểm số trên giấy cũng không hề được chấm.
Mình vừa giận vừa tủi thân, chẳng hiểu tại sao thầy làm vậy, xưa giờ vốn thầy là một người nhẫn nại và luôn giải thích cho mấy đứa học trò nhỏ, vậy mà đùng một phát thầy chỉ bảo mình là bài nặng nề và khó nghe. Mãi năm vừa rồi đi học thầy L.H.P mình mới nhận ra là mình đã đi ngược lại hầu hết mọi cách viết nhạc. Thay vì các nhạc sĩ dùng kỹ thuật là phương tiện chuyên chở cảm xúc hoặc ý tưởng âm nhạc, mình lại dùng ý tưởng âm nhạc làm cái cớ để thể hiện một kỹ thuật viết nhạc nào đó, đâm ra tác phẩm của mình trở thành một “bài tập mang danh tác phẩm”.
Chương trình Nhạc Pháp trong chuỗi chương trình Unitour do Germer thực hiện tại Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (Petrus Khang)
Rồi từ lúc bước vào nhạc viện đến nay cũng được rất nhiều người khen vì điều này, điều kia. Nhưng mình vẫn luôn hạnh phúc và tự hào với ba lời khen mà mình đã nhận được:
I/ Thầy VL. Thầy là một người tinh thông kim-cổ. Thầy tốt nghiệp thạc sĩ piano ở Đại học Công giáo Hoa Kỳ. Thầy tìm hiểu đồng thời nghe, nói, đọc, viết được: tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc (Phổ thông và Quảng Đông), Hàn. Ngoài ra, thầy có thể đọc được: tiếng Thái, Arabic và chút ít tiếng Nhật. Thầy thông tường sử sách từ âm nhạc đến lịch sử, chính trị và văn hóa. Thầy có thể thao thao bất tuyệt truyện Kiều của Nguyễn Du đến Romeo và Juliet của Shakespeare…
Hồi năm trung cấp II chính thầy sau khi nghe bài Nỗi nhớ của mình thầy bảo, mình lượt đi mấy nhận xét về chuyên môn nhé: “Xưa giờ thầy thấy con lăng xăng cứ nghĩ con cũng chỉ là một đứa nói nhăng nói cuội. Vậy mà hôm nay nghe tác phẩm của con mới thấy con vừa có chiều sâu con tim vừa có chiều cao lý trí để kéo lại. Đơn nhiên con vẫn chưa bằng bọn sáng tác bên Mỹ nhưng thầy tin con sẽ tiếp tục phát triển được.” Lúc đấy mình chưa hề thân thiết với thầy, được biết đến thầy qua những chương trình dạy về tiếng Việt uyên thâm trên YouTube hồi thầy còn ở Mỹ, ấy vậy mà bỗng được thầy “chặn đường” nói mấy câu làm mình muốn rớt nước mắt.
II/ Cô VA. Hôm đấy là hôm cuối mình học với cô trước khi thi tốt nghiệp môn đấy. Trên bàn ăn mừng, cô nói chuyện với từng đứa học trò rồi cô quay sang bảo mình: “Khang này! Cô đã từng gặp rất nhiều người giỏi hơn con. Nhưng với cô, ai làm gì hay chọn gì thì chọn. Cô chỉ thấy con phải tiếp tục học nhạc, dù chuyện gì con cũng phải học nhạc. Con như cái bọn Tây cô gặp hồi học ở Bung ấy. Ráng học lên nữa nha con!” Mình mém rơi nước mắt trước một người đàn bàn đã gần 60 tuổi, làm trong nghề giáo dục đã ngót 30 năm. Vậy mà mắt cô rơm rớm nước mắt nói với mình.
III/ Cuối cùng cũng là người thầy “vĩ đại” nhứt của mình. Người mà mình chịu ảnh hưởng từ âm nhạc đến phong cách giảng dạy, ngay cả tính cách cũng học tập được từ thầy rất nhiều. Thầy vốn khiêm tốn và rất cẩn trọng trong lời nói. Nên cuộc đời đi dạy của thầy, từ lúc mình gặp thầy, mình chỉ nghe thầy khen hai người: một là đại ca, hai là anh Nhựt. Hai anh này giỏi “tầm cỡ” của Nhạc viện rồi nên chẳng có gì lạ.
Mình học với thầy gần bốn năm chẳng bao giờ đi đâu mà thầy giới thiệu mình là ai hay mình học thầy thế nào. Thầy chỉ cười cười, ai hỏi thì gật gù. Vậy mà cái hôm bổn mạng ca đoàn mình tham gia có thầy làm ca trưởng, có chút rượu trong người, thầy tới khoác vai mình và nói với hết các cô chú: “Đây là thằng học trò giỏi của P. Nó chỉ thiếu kinh nghiệm thôi chứ kiến thức thì giỏi lắm.” Mình không ngăn được nước mắt trong khoảnh khắc đó. Không gì vui sướng bằng được chính người thầy mà mình yêu kính công nhận.
IV/ Thêm chút chút: đã là một nghệ sĩ thì không thể không nhắc đến lời khen từ khán giả. Mình may mắn cũng nhận được nhiều lời khen, cảm ơn từ những người nghe tác phẩm của mình hay nghe mình đờn. Nhưng hạnh phúc nhứt có lẽ là lần mình đờn Francis Poulenc – Trois Mouvements Perpétuels, FP 14a….
Sau buổi biểu diễn khán giả nào cũng vội về vì khá muộn, mình cũng chẳng suy nghĩ sẽ được ai tặng hoa hay cảm ơn vì tác phẩm mình đàn là bài khó nghe nhứt hôm đó. Các bạn nghệ sĩ khác đều chọn những ca khúc hay nhạc phẩm du dương vì gần đêm Giáng sinh, có mình là lấy một bài vừa học thuật vừa quá nội tâm. Ấy vậy mà sau buổi biểu diễn có một cặp vợ chồng, ông bà chắc cũng ngoài 60 tuổi. Ông có bộ râu quai nón trắng và bà thì mỉm cười đôn hậu. Ông kéo mình vào cái góc hẹp của quán và nói bằng cái giọng Pháp đặc sệt: “I and my wife are Francaise. You are Bravo.” Người vợ phụ họa cho chồng bằng tràng vỗ tay và nụ cười đôn hậu của mình. Rồi ông bà quay lưng đi về, để lại mình trong sự lâng lâng, sung sướng. Có lẽ vậy là quá đủ cho một đêm cuối năm. Mình đờn nhạc Pháp và người Pháp đồng cảm, người Pháp thấy hay. Niềm vui nhỏ nhoi của một nghệ sĩ cổ điển không phải là làm cho số đông vừa lòng mà là lấy được sự đồng cảm từ nội tâm dù chỉ của một thính giả.
Lời bạt: Đã bước vào con đường nghệ thuật nói riêng hay các ngành nghề liên quan đến công chúng nói chung thì việc chấp nhận khen chê là một quy luật tất yếu của ngành nghề. Nếu không biết học hỏi từ những lời chê và lấy động lực từ những lời khen thì mãi mãi mình chỉ đứng một chỗ. Tuân Tử dạy: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Nhưng cũng không được “chìm” trong những lời chê mà đánh mất đi chính mình, đánh mất đi cái nhiệt huyết hăng say của bản thân. Xin mượn mấy câu của Nguyễn Công Trứ để kết thúc bài viết, thiệt ra thì chỉ định mượn hai câu đầu thôi, nhưng lỡ rồi trích cho hết: