Cha mẹ sẽ “trả giá” khi ép con phải thành công

Minh họa: New York Times

Cha mẹ sẽ “trả giá” khi ép con phải thành công

Ngày 04-09-2020 (GMT +7)

ByPHẠM NGUYỄN THIỆN NHÂN

Trong một bài viết trên trang Medium, tác giả Laura Mohsene viết rằng mình đang đọc cuốn hồi ký của Edward Said có tên Out of Place. Edward Said (1935-2003) là giáo sư văn học Đại học Columbia và là tác giả của nhiều tựa sách bán chạy hàng đầu nước Mỹ. Ông còn là con trai duy nhất của nhà kinh doanh giàu có Wadie Said. Cha của Edward luôn dành cho con mình sự giáo dục tốt nhất, nhiều chuyến du lịch sang trọng nhất, những cuốn sách, món đồ chơi và quần áo tốt nhất. Ông gần như “muốn gì được nấy”. Tuy thế nhưng mối quan hệ giữa hai bố con có nhiều phần phức tạp.

Edward luôn bị kiểm soát theo nề nếp mà ba mẹ ông đặt ra. Edward luôn bị phê bình vì thái độ, vì dáng đi khập khiễng và vì sự lười biếng khi học đàn của ông. Edward luôn bị áp lực phải trở nên giỏi giang trong nhiều môn thể thao như ba ông khi xưa. Bố mẹ còn muốn ông học thật giỏi và trở thành một nghệ sĩ piano tài năng. Nếu Edward không được điểm 10 trong tất cả môn học trên trường, ba mẹ ông sẽ bắt con mình học nhiều hơn. Sau mỗi ngày đến lớp, ông còn phải dành vài tiếng để học phụ đạo với gia sư. Edward hoàn toàn không có thời gian dành cho bản thân để đi chơi với bạn bè hay nghỉ ngơi.

Cố giáo sư Edward Said (DPA)

Ba mẹ của Edward bỏ ra rất nhiều tiền cho những lớp học piano của ông. Tuy nhiên thay vì được chơi loại nhạc mà mình thích, ông thường xuyên bị ép để tập những bài nhạc khó và nhàm chán. Bất kỳ thất bại nào Edward đều phải trả giá bằng việc luyện tập nhiều tiếng hơn hoặc đứng úp mặt vào tường hàng giờ liền. Edward biết rằng bản thân mình là một nỗi thất vọng dành cho cả gia đình, đặc biệt là ba của ông. Mọi thứ về Edward - tính cách, dáng đi, thể lực, sở thích và cách cư xử - đều luôn bị “phê phán”. Đối với cha mẹ ông, đứa con của mình không bao giờ bằng “con nhà người khác”. Tuổi thơ của Edward là chuỗi ngày lấp kín bởi những hoạt động mà ba mẹ ông sắp đặt. Để giúp con trở nên giỏi hơn trong thể thao, ba của Edward đăng ký cho ông gia nhập nhiều câu lạc bộ trong và ngoài trường học. Edward luôn phải nghe ba mình khoe về việc ông đã từng “cừ” như thế nào ở nhiều môn thế thao khi trẻ. Điều này càng khiến Edward tự ti hơn về bản thân.

Edward hiếm khi nào được khen thưởng bởi những thành tích đã đạt được. Việc này dẫn đến Edward tin rằng ba mẹ mình đã chính xác khi nói ông là một đứa trẻ thất bại.

Tác giả Laura Mohsene chia sẻ: “Tuy ba tôi không giàu có như Wadie Said, tôi vẫn thường xuyên nhận nhiều sự chê bai từ phụ huynh. Chị em tôi thường xuyên bị so sánh với nhau trong mọi hoạt động. Ba mẹ muốn chúng tôi làm những việc để họ có thể đem khoe với bạn bè và người thân. Thế nên khi đọc qua cuốn hồi ký của Edward Said, tôi thật sự cảm thấy đồng cảm với những khó khăn của ông ấy. Những lời phàn nàn của phụ huynh không khiến cho tôi muốn phấn đấu hơn. Ngược lại, đó chính là thứ khiến tôi muốn bỏ cuộc”.

Minh họa: NPR

Trong thời đại ngày nay, không hiếm để thấy những đứa trẻ có thể chơi được nhiều loại thể thao và nhạc cụ. Phụ huynh của chúng lấp đầy thời khoá biểu với hàng loạt hoạt động ngoại khóa đến khi con mình không còn thời gian để nghỉ ngơi. Nhiều trẻ còn phải thức khuya để hoàn thành bài tập về nhà. Ba mẹ thường kỳ vọng con mình sẽ trở nên toàn diện và vượt trội vì họ đã trả nhiều tiền vào các hoạt động ngoại khoá. Những phụ huynh này cảm thấy bị “lừa bịp” khi con họ không đạt được thành tích như ý muốn. Những đứa trẻ này có thể có dụng cụ thể thao tốt nhất, huấn luyện viên giỏi nhất và đi tranh tài ở các giải đấu danh giá nhất vì tiền bạc không phải là vấn đề. Thế nhưng chúng thường không tìm thấy niềm vui hoặc đam mê trong những hoạt động này. Lý do duy nhất mà những đứa trẻ này chơi thể thao là vì ba mẹ tin rằng đó là việc tốt nhất cho con mình.

Phụ huynh thường tin rằng mình đang tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho con để phát triển. “Con đang có nhiều thứ mà ba mẹ không có khi xưa”. Thế nên họ nghĩ rằng đứa trẻ chắc chắn phải thành công. Phụ huynh muốn nhận lại qua việc thấy con trở thành ngôi sao thể thao hoặc nhạc sĩ thiên tài. Đứa trẻ có trách nhiệm phải trở nên tài giỏi vì đó là cách trả ơn cho ba mẹ chúng. Nhiều phụ huynh còn cảm thấy giận dữ khi con mình không thắng trong một trận đá bóng. Sự giận dữ đến từ suy nghĩ rằng thất bại của con sẽ làm mất uy tín của họ.

Như Edward Said, một đứa trẻ thường xuyên bị chê bai sẽ ngừng cố gắng vì chúng nghĩ rằng mình sẽ thất bại. Trẻ biết rằng ba mẹ sẽ chỉ trích khi chúng không ghi bàn, không chạy đủ nhanh, không dành thời gian tập luyện, không được điểm cao trên lớp. Thay vì cố gắng hơn, trẻ sẽ dần trở nên thiếu tự tin và sợ trải nghiệm những hoạt động mới. Việc này sẽ dần ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của trẻ vì chúng biết rằng mình sẽ không bao giờ làm hài lòng được ba mẹ.

Minh họa: NPR

Nếu có những điều mà các bậc phụ huynh cần học từ câu chuyện của Edward Said, đó chính là:

Cha mẹ không thể dùng lời phê bình để khiến con tài giỏi hơn.

Thay vì “bắt nạt” trẻ phải thành công, hãy động viên con.

Hãy cho trẻ chơi những môn thể thao và nhạc cụ chúng thật sự yêu thích. Động viên con về những thành quả mà chúng đã đạt được. Đừng bắt con tham gia những hoạt động mà ba mẹ nghĩ rằng sẽ hữu ích cho con.

Hãy để những thành công của con đến từ đam mê và niềm vui thay vì tâm lý phải làm hài lòng ba mẹ.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin