Bức tranh châu Á 2021

Bức tranh châu Á 2021

Ngày 30-12-2020 (GMT +7)

ByMẠNH KIM

Năm kinh khủng nhất lịch sử thế giới thế kỷ 21 – 2020 – đã để lại những bài học nhớ đời và trận đại dịch Covid-19 cũng đưa đến nhiều thay đổi. Tất cả sẽ tạo ra những ảnh hưởng tác động đến đường nét bức tranh 2021. Sự kiện nước Mỹ kết thúc “kỷ nguyên” ngắn ngủi bốn năm nhưng cực kỳ hỗn loạn của Donald Trump với sự đổi ngôi Nhà Trắng cho ông Joe Biden chắc chắn cũng đưa đến nhiều biến động về địa chính trị thế giới nói chung và châu Á nói riêng… Ban biên tập Nikkei Asia trong số báo đề ngày 30-12-2020 đã đưa ra một số nhận định và dự báo…

Công nghệ khẳng định vị trí định hình diện mạo thế giới

Làm việc từ xa là một trong những xu hướng được nhắc đến và được áp dụng rộng rãi ít nhất một thập niên qua nhưng đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh tốc độ áp dụng giải pháp làm việc từ nhà. Tăng cường kỹ thuật tự động hóa để giảm nhân lực cũng là lựa chọn có tính quyết định đối với nhiều nền kinh tế. Sự tăng nhanh giá trị cổ phiếu của các công ty công nghệ cho thấy kỹ thuật và ứng dụng của nó, chẳng hạn hội thoại trực tuyến Zoom, không chỉ sống sót qua đại dịch và còn sống thậm chí khỏe hơn như thế nào và như vậy hẳn nhiên tương lai phải nằm trong những bộ não biết khai thác công nghệ. Điều này không chỉ đúng với các công ty công nghệ mà đúng với cả các chính phủ có chính sách đầu tư và biết cách khuyến khích phát triển công nghệ.

Công nghiệp du lịch: “hộ chiếu vaccine”

Khó có thể nói du lịch châu Á nói riêng và thế giới nói chung sẽ hồi phục trong năm 2021. Người ta đang “cầu nguyện” các loại vaccine đang được tung ra bởi Pfizer, AstraZeneca và Moderna ở phương Tây; cũng như nhiều công ty địa phương ở Trung Quốc, Việt Nam, Nga…, có thể giải cứu ngành hàng không và khách sạn. Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng hàng không có thể mất trắng 157 tỷ USD trong hai năm 2020 và 2021. Hầu hết quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đều đóng cửa biên giới, đồng thời áp dụng biện pháp kiểm dịch và kiểm tra nghiêm ngặt đối với rất ít du khách được phép vào.

Hàng không châu Á khó có thể hồi phục năm 2021 (Reuters) 

Ngay cả với du lịch nội địa tại thị trường châu Á, khó có thể đạt được mức bằng như năm 2019 vào trước năm 2022 đối với châu Á và năm 2024 đối với du lịch quốc tế. Công nghiệp hàng không nói chung đang chờ cây đũa thần vaccine. Giám đốc điều hành Qantas Airways, Alan Joyce, nói rằng hãng của ông có thể áp dụng chính sách “không tiêm chủng, không bay”. Các hãng hàng không hàng đầu đang thử nghiệm “hộ chiếu tiêm chủng” (“vaccination passports”), tức chỉ cho phép hành khách được mua vé và bay khi chứng minh họ đã được tiêm vaccine. Một ý tưởng tương tự có tên CommonPass, được phát triển bởi tổ chức phi lợi nhuận Commons Project cùng với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đang được thử nghiệm trên các chuyến bay giữa Vương quốc Anh và Mỹ. Thẻ “thông hành” IATA Travel Pass cũng dự kiến được tung ra trong thời gian tới.

Ứng xử với thay đổi khí hậu

Việc thực hiện các chính sách thích ứng với thay đổi khí hậu cũng như bảo vệ môi trường chẳng là điều lạ nhưng sự khủng hoảng nhiều mặt gây ra bởi đại dịch Covid-19 làm xáo trộn mọi thứ càng cho thấy vấn đề khí hậu và sức khỏe cần đáng được quan tâm nhiều hơn như thế nào. Ba trong nền kinh tế lớn nhất châu Á - Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - đã công bố mục tiêu giảm lượng khí thải carbon xuống bằng zero. Alex Whitworth, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng và năng lượng tái tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc tổ chức Wood Mackenzie cho biết: “Trong 5 năm tới, Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào mọi thứ, từ năng lượng mặt trời, gió, xe điện đến than và khí đốt”. Tại Nhật, một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng đang bị ép phải đánh giá tình trạng xả khí thải sau nhiều năm trì trệ, đặc biệt công nghiệp thép và xi măng. Tuy nhiên, ở cấp chính phủ, các cơ quan cấp bộ chỉ mới bắt đầu thảo luận về cách thực hiện cam kết để biến thành thực tế. Với Hàn Quốc, con đường chưa được rõ ràng lắm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tỷ trọng điện tái tạo ở nước này đạt chưa đến 4% trong năm 2018.

Trung Quốc cam kết đạt mức zero về khí thải là một trong những hứa hẹn rất khó tin (AP)

Nhật Bản và Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt mức zero carbon vào năm 2050, trong khi Trung Quốc (quốc gia thải gần gấp sáu lần lượng khí thải của cả hai quốc gia cộng lại) cam kết đạt mục tiêu vào năm 2060. Phần còn lại của thế giới cũng đang chuyển động: Mỹ sẽ tái gia nhập Hiệp định Paris, Hiệp định Xanh châu Âu và Hội nghị Glasgow của Liên Hiệp Quốc. Dù tốc độ triển khai như thế nào, các công ty nói chung đều đang thiết lập chuẩn cao hơn để giảm hiệu ứng nhà kính.

Trung Quốc sẽ lãnh đạo kinh tế toàn cầu?

Năm 2021 hứa hẹn là cơ hội lớn cho Trung Quốc. Bất luận có che giấu thông tin về dịch bệnh như thế nào, cũng có thể thấy Trung Quốc đã kiểm soát tốt đại dịch coronavirus và duy trì được sự ổn định kinh tế. Nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia phục hồi kinh tế nhanh và điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt khi mà nhiều nước vẫn tiếp tục bận tâm với việc khống chế đại dịch. Bank of China dự phóng tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể đạt 7,5% trong năm 2021, so với (mức dự kiến) 2,1% năm 2020. Đồng nhân dân tệ mạnh hơn, vốn dĩ đã tăng 4% vào tháng 11-2020 so với mức trung bình năm 2019, sẽ thúc đẩy nhập khẩu, dự kiến tăng 7,2% - theo HSBC Global Research. Trung Quốc cũng được kỳ vọng tăng tỷ trọng xuất khẩu với tư cách là một trong số ít nền kinh tế có cơ sở sản xuất không bị Covid-19 tàn phá. HSBC dự báo xuất khẩu sẽ tăng 7,9% (so với mức ước tính 3,4% của năm 2020).

Với thế giới, Credit Suisse kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 4,1% vào năm 2021. Sự phục hồi kinh tế cùng với lãi suất bằng hoặc dưới 0 ở tất cả nền kinh tế phát triển lớn của thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ những cổ phiếu vốn đạt mức kỷ lục vào năm 2020. John Woods, giám đốc đầu tư châu Á-Thái Bình Dương của Credit Suisse, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục coi cổ phiếu là thứ mang lại triển vọng sinh lợi hấp dẫn nhất. Sự lạc quan với kết quả bầu cử Mỹ thuộc về ông Joe Biden đã mang lại hiệu ứng tốt đối với giới đầu tư.

Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại với châu Á

“Nước Mỹ đã trở lại” - Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố. Tuy nhiên, để hàn gắn những đổ nát trong quan hệ giữa Mỹ và châu Á như một phần trong di sản của chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà Trump thực hiện bốn năm qua là điều không thể có được một sớm một chiều. Nước Mỹ đã bị tống ra bên lề các thỏa thuận thương mại lớn, đặc biệt Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Châu Á đã chứng tỏ cho “nước Mỹ của Trump” thấy rằng “không mợ thì chợ vẫn đông”. Nói cách khác, Mỹ không còn là “quốc gia không thể thiếu” như Ngoại trưởng Madeleine Albright từng nói năm 1998. Một trong những thách thức của Joe Biden là ông không chỉ gánh di sản đối ngoại của Trump mà còn phải “gồng lên” để đưa nước Mỹ thoát đại dịch và giúp kinh tế quốc gia hồi phục.

Chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống của ông Joe Biden đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ sốc lại gần như tất cả chính sách đối ngoại đối với châu Á (Reuters)

Ông Biden có thể lập một liên minh châu Á gồm Nhật, Ấn và Úc để cân bằng Trung Quốc - theo David Denoon, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Đại học New York. “Yếu tố quan trọng ở đây là tất cả các nền dân chủ đều có khả năng sẵn sàng cân bằng Trung Quốc và nếu có một thỏa thuận ổn định thì Trung Quốc khó có thể làm suy yếu mô hình này” – nhận xét của David Denoon. Ông nói thêm: “Sự kết hợp giữa GDP và sức mạnh công nghệ của Nhật, Ấn, Mỹ và Úc sẽ mang lại một liên minh đáng gờm. Các quốc gia khác cuối cùng có thể tham gia vào nhóm Bộ Tứ; và đây sẽ là cơ sở cho mối quan hệ an ninh trong tương lai ở Thái Bình Dương”.

Dự báo gì cho Việt Nam?

Sáu nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á dự kiến đối mặt các con đường tài khóa khác nhau vào năm 2021 - với Việt Nam, Indonesia và Malaysia tăng từ mức trước đại dịch; trong khi Singapore, Philippines và Thái Lan phải vật lộn để trở lại trạng thái hồi phục. Tổng hợp các dự báo dựa trên quốc gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đặt số liệu năm 2019 làm đường cơ sở là 100, Nikkei Asia (29-12-2020) cho biết, Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều đạt điểm trên 100 cho năm 2021, có nghĩa nền kinh tế ba quốc gia này sẽ mở rộng trong năm tới so với mức độ trước khi bùng phát coronavirus vào năm 2019.

Thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 là lợi điểm và tiền đề mà Việt Nam kỳ vọng có thể bứt phá về kinh tế trong năm 2021 (Reuters)

Việt Nam có thể dẫn đầu nhóm với chỉ số tăng trưởng dự báo là 108,4. S&P Global dự đoán kinh tế Việt Nam tăng 10,9% theo giá trị thực vào năm 2021, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á-Thái Bình Dương, sau khi tăng 2,91% trong năm nay. Việt Nam cũng là một trong sáu nước duy nhất được ghi nhận tăng trưởng kinh tế thực sự vào năm 2020, nhờ thành công nhanh chóng trong việc kiềm chế đại dịch coronavirus. Yuta Tsukada thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Nhiều công ty toàn cầu đang đổ xô vào Việt Nam. Đây là một lợi điểm cho xuất khẩu của nước này. Với chi phí sản xuất thấp của Việt Nam, Tsukada nhận thấy ngày càng có nhiều công ty chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin