Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to...

Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to...

Ngày 23-09-2020 (GMT +7)

ByPHAN HOÀNG MY

Tuổi thơ con bé đầy ắp những mùa trăng. Nơi nó lớn lên trùng điệp những rừng thông nên đêm xuống là tối đen mịt. Lại còn hay bị cúp điện. Đã cúp “nhịp nhàng” theo thời khoá biểu, lại còn xen lẫn khuyến mại cúp bất thình lình không báo trước. Cho nên những đêm sáng trăng thật sự là một món quà nho nhỏ của Thượng đế. Nhất là vào những đêm cúp điện, ánh trăng làm cho những ngọn đèn hột vịt bớt hiu hắt hơn rất nhiều...

Và với bọn nhỏ chúng nó, khi ấy đồ chơi thường là mấy cái nắp khoén, là chiếc ná bằng chạc cây, là những con búp bê cắt ra từ bìa carton, thì mùa Trung thu, sở hữu một chiếc lồng đèn là cả một gia tài đáng kể. Phổ biến nhất là những chiếc lồng đèn bằng giấy xếp hình tròn. Khi không dùng, xếp lại gọn gàng như một thếp giấy mỏng. Xách lên buông xuống giống như những cái giếng cạn tí hon. Cũng cùng kiểu xếp giấy ấy nhưng cầu kỳ và “sang trọng” hơn là lồng đèn trái bí. Xếp lại đèn dẹp như một mảnh trăng lưỡi liềm. Mở ra đèn ôm thành một vòng tròn ấm áp. Cầu kỳ hơn nữa là những chiếc lồng đèn bóng kính. Đến gần Trung thu, chợ Đà lạt như một quả cầu rực rỡ, đỏ vàng xanh từng chùm. Đèn con thỏ, con bướm con gà. Đèn máy bay, xe hơi, tên lửa... Mấy miếng giấy bóng kính dán vào cái khung bằng tre thô sơ, vài nét cọ sơn trắng trắng hồng hồng, thêm khoanh lò xo bằng kẽm bé tí để cắm nến, vậy là có một chiếc lồng đèn tươm tất. Đủ để cho chủ nhân nhí hạnh phúc ngời ngời trong đêm trăng.

Cái thời bao cấp cực khổ ấy, khi miếng đường tán đen thui cho vô miệng cũng trở nên những viên kẹo thì món bánh nướng bánh dẻo mỗi năm mới có một lần thật đúng là sơn hào hải vị. Mẹ chia bánh cho chị em rất đồng đều. Con bé đó có nguyên một cái hộc bàn bé tí dành riêng để bày “cỗ” Trung thu. Mỗi ngày cái hộc bàn bị kéo ra vô sột soạt không biết bao nhiêu lần. Nó ngắm nghía, sắp đặt, thêm thêm bớt bớt mà lòng cứ rộn rã như những hồi trống lân. Năm nào có được cái bánh con heo mẹ mũm mĩm với đàn heo con bé tí bu quanh là năm đó xôm tụ lắm lắm. 

Một năm nọ, ba hí hoáy đo đo cắt cắt cả buổi. Ba chán mấy mẫu lồng đèn đi đâu cũng có nên muốn tự làm lồng đèn Trung thu cho hai chị em nó. Ba khéo tay, lại có mắt thẩm mỹ, cuối ngày thì hai chiếc lồng đèn đẹp tuyệt ra đời. Nghe ba tuyên bố “cả nước Việt Nam này không có ai có đèn giống tụi con đâu nghe”, chao ơi là nó sướng. Năm nào đi rước đèn về xong mẹ lại lau chùi nhẹ nhàng rồi cẩn thận xếp cho dẹp lại, treo vô trong góc của cái tủ áo quần thoang thoảng thơm mùi lông não. Thêm đèn cầy nữa. Những cây đèn cầy thon dài nhiều màu sắc được giữ gìn cẩn thận ngay ngắn. Có mấy lần chưa kịp thắp đã làm rớt, cây nến gãy thành mấy khúc, con bé tiếc ngẩn ngơ. Nó rất quý cái hộp gỗ đựng những cây đèn cầy đủ màu. Đèn cây được xếp loại theo màu, màu nào ít thích nhất sẽ bị đem ra thắp trước.

Rồi theo những ngày xôn xao, trăng tròn. 

Buổi chiều hôm đó cả nhà ăn cơm sớm. Ăn vội vàng cho xong mà mắt cứ để ngoài cửa sổ coi trời tối hẳn chưa. Ba mẹ giúp chị em nó cột lồng đèn vào chiếc que tre, cắm ngọn nến mới, ba đốt đèn lên. Ôi chao là đẹp. Cái-lồng-đèn-cả-Việt-Nam-không-ai-có mới quyến rũ làm sao. Những khung chữ nhật viền giấy bóng kính có họa tiết khéo léo bừng sáng lên trong ánh nến, những vệt sáng hắt ra in xuống mặt đất thành một vòng tròn dao động lung linh.

Con bé đã sẵn sàng cho sự kiện mong chờ bao lâu nay. Chị em nó ra khỏi cửa, đằng sau tiếng mẹ với theo “đi chút thôi rồi về ngủ mai đi học nghe con”. Trăng thu sáng vằng vặc làm bầu trời dường như bớt đen hơn và có màu xanh thăm thẳm, ít ra là con bé thấy vậy. Nó hít đầy tràn lồng ngực hương trời đất mát lạnh, bước ra hàng hiên nhà. Mấy đứa nhỏ khác cũng lục tục xách đèn đi ra. Cái xóm nhỏ trên một con dốc đá dài, vài ba chục mái nhà, cả xóm quen nhẵn mặt nhau. Bọn nhóc xáp vô, ngắm nhìn lồng đèn, cùng ồ lên khi thấy những chiếc lồng đèn lạ mắt. Một, hai năm đầu con bé vô cùng hãnh diện với cái lồng đèn khác thường của mình nhưng qua đến năm thứ ba thì nó toàn liếc ngang liếc dọc những bướm, gà, nai sặc sỡ mà ước sao cái lồng đèn mình bị hư quách đi để còn được “nếm” mùi lồng đèn mới mỗi năm…

Nôn nao mong chờ là vậy, cuộc vui thật ra chỉ là cầm những chiếc lồng đèn trên tay đi lòng vòng quanh xóm, là hết. Những mảnh sân tụi nó thuộc từng lỗ bắn bi, từng khe tường nứt, hay chỗ gốc cây trồi lên đá banh phải tránh nếu không muốn bật móng chân, đêm nay bỗng dưng lạ hẳn. Nhờ ánh nến lung linh. Vậy thôi là thoả mãn, hạnh phúc tràn trề. Giấc ngủ đêm đó bao giờ cũng say nồng...

Trung thu ngày xưa (ST)

Bẵng đi một thời gian dài nó không còn để ý đến Trung thu nữa. Ừ, thì người ta đã lớn. Rồi một mùa nọ, Trung thu xa nhà, nó bỗng giật mình khi thấy lại mấy chiếc lồng đèn giấy xếp treo lạc lõng trong một ngôi chợ Việt Nam. Tuổi thơ bỗng ùa về. Nó hối hả mua một hộp bánh, hai cái lồng đèn và vài cây nến con cho hai cậu con trai. Đêm Trung thu bên ngoài lạnh như cắt. Nó tắt hết điện trong phòng khách và rủ hai con đốt nến thắp đèn chơi. Nỗi tò mò của hai thằng bé chưa hề biết Trung thu là gì còn ngắn hơn cả cây nến tí hon “Đốt nến vậy là xong rồi hả mẹ? Rồi làm gì nữa? Mà con đâu thấy gì vui đâu? Mà cái bánh này cũng kỳ quá mẹ, con không thích”.

Cây nến bé tí ti cháy chưa được nửa đoạn đường thì Trung thu của mẹ con nó cũng tàn. Hai thằng bé vội vã chạy lại mớ đồ chơi lego đang lắp dở dang trước khi tắt điện. Nó lững thững đến gần cửa sổ, nhìn lên trời cao thẳm. Trăng đã lên cao lắm, vạn vật được phủ bởi một thứ ánh sáng bàng bạc, và lạnh lẽo. Bất giác nó lẩm nhẩm hát bài mẹ thường hát, Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ... Hôm nay ở đâu đó trên quê nhà có nhiều đứa trẻ đang được hưởng niềm vui trong ngần của đêm Trung thu. Nó thấy mình giờ cũng có tâm trạng như anh Cuội già, ôm một mối mơ, mơ những đêm Trung thu ấm áp và trong ngần…

Vancouver, Trung thu 2020

Minh họa: Unsplash, Pixabay, Pexels

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin