Bốn môn học để trả lời cho câu hỏi

Minh họa (Pixabay)

Bốn môn học để trả lời cho câu hỏi "Cái Ly lại đi đâu rồi?"

Ngày 12-08-2020 (GMT +7)

ByNGUYỄN DẠ LY

Năm nay học bảy môn nhưng chọn bốn môn để kể chuyện cho vui vậy. Hôm sau có hứng mình sẽ kể tiếp các môn còn lại.

Creating & Making [1] giúp mình biết sự khác biệt giữa một người làm việc họ ưa thích vì họ thích với một người làm việc họ chưa thích vì họ thích được làm. Chỉ những người nào họ thích thì họ mới có thể ngồi cả mấy ngày trời để tận công nghiên cứu. Đương nhiên không phải lúc nào họ cũng vui, nhưng cuối cùng thì chỉ niềm yêu mới giữ chân (và nâng chân) họ được lâu như thế. Mình, nhờ đó, cởi bỏ được cảm giác… tội lỗi và (cảm giác) bất cần trước nỗi bất khả khi không thể hiểu sâu hiểu tận một vấn đề.

Trước những thứ mà mình chưa tìm thấy được niềm đam mê sâu thẳm với nó, trước mắt hãy cứ biết nó là gì (the what) và nó có quy luật gì (the how) cái đã. Còn những thứ nâng cao hơn (như tại sao lại thế - the why, và như thế thì sao - the so what) thì sẽ đến sau (hoặc không). Nghĩa là, không hiểu hết (vốn là) cũng chẳng sao cả.

Rhetoric [2] đẩy mình vào những suy tư liên quan đến... rhetoric nói chung và viết nói riêng, trong những bối cảnh đầy tính cá nhân và nhân văn nằm ngoài lớp học. Người viết nói riêng (và sử dụng rhetoric nói chung) đầy mong manh trong các thế lưỡng nan kỳ dị. Họ gần như toàn quyền chọn lựa khán giả và theo đó là cái gì họ muốn khán giả kia được biết, và theo cách nào: họ nắm quyền sinh sát gần như tuyệt đối. Nhưng họ cũng đầy mong manh trước những giới hạn của một con người 100%, khi tất cả những điều tưởng chừng như tuyệt đối cá nhân và tự chủ đấy (lời nói, trí tuệ, kiến thức) bản chất lại không phải của họ, mà là của hệ hình mà họ thuộc về. Họ có thể ý thức được nó, hoặc không, nhưng không bao giờ là sự ý thức tuyệt đối của một chủ thể trong mọi chiều kích. Như thế mà vừa lệ thuộc, vừa khước từ.

Nhưng sau vô vàn những nhát cắt và loại suy ấy, câu hỏi đơn giản về mặt ngôn ngữ nhưng lại cực kỳ thách thức về mặt đạo đức - anh sẽ chọn nói cái gì và nói thế nào? Anh có xem khán giả của anh là những người ngu không? Anh có muốn khán giả của anh thành những người ngu không? Và cũng để thấy authority (uy tín?) của anh (tác giả) không tồn tại trước và sau những gì anh viết/nói, nó xuất hiện cùng lúc với khi anh mở miệng ra/đặt bút xuống. Sau đó, trước đó, anh không là ai cả.

Minh họa (Unsplash)

Computer Science đặt ra một thách thức mang tính thực hành của một kẻ-không-biết gì-cũng-không-sao-cả vốn đã được tổng luận (trên lý thuyết) từ Creating & Making. Và bây giờ là một tầng khác cao và xa hơn, chính ra lại y hệt thế lưỡng nan của một rhetorician(?) - anh biết, và anh có làm không. Ở đây là, anh biết, nhưng anh có làm ĐƯỢC không?

Kết luận: Kể cả trong không gian mà (bằng cách này hay cách khác) anh đã (tự) huyễn hoặc rằng mình-không-thích thì anh vẫn có thể tìm được niềm vui/thích nằm trong đó. Đừng vội chối bỏ cơ hội khiến mình hân hoan trong những nơi mình không hề biết, vì mình chưa hề đặt chân tới. Riêng về Computer Science, ít nhất sau đó, mình cảm thấy thoải mái hơn trong việc xé nhỏ các vấn đề (theo một trật tự logic nào đó) và giải quyết từng phần một. Có thể đến cuối cùng, nó là một tổng thể của các phân rã được giải quyết không đồng đều, thì (với mình) nó vẫn hơn một tổng thể chưa phân rã, chưa được giải quyết. Như thế là bởi vì, quá trình giải quyết vấn đề (problem solving) vốn không phải là để giải quyết vấn đề (have a problem solved), mà đơn giản là để HIỂU (toàn phần, hoặc từng phần).

(Digital) Anthropology [3] lại (liên tục) đặt mình vào một tình huống khác mà Computer Science đã gợi lên nhưng (chưa kịp) có những suy tư về nó: Rốt cuộc, các trạng thái không-biết-gì, không-hiểu, không-hiểu-nổi có giá trị như nào trong việc kiến tạo tri thức (của riêng mình)? Nếu như Computer Science thôi thúc mình chạm đến được những câu trả lời CHÍNH XÁC và cách diễn đạt DỄ HIỂU; thì đến Anthropology lại là cái gì đó đối lập. Nói không ngoa thì việc bê nguyên cái yêu cầu đấy của Computer Science mà đặt đúng vào Anthropology thì sẽ gây chết người (quả thật cũng có hơi ngoa một tí, không ai chết cả, nhưng "chết"). Dễ hiểu và gặt hái câu trả lời quá nhanh sẽ ngay lập tức đẩy anh vào chiếc bẫy tư duy (và thực hành) mà bất kỳ một anthropologist nào cũng cần phải tránh:

Nếu anh đã tin điều này là đúng thì anh còn quanh quẩn để tìm cái gì đấy đúng hơn không?

Nếu anh đã tin là mình đã hiểu, thì anh còn quanh quẩn để hiểu thêm hay không?

KHÔNG!

Chấp nhận sự-không-hiểu là một quá trình cần để dẫn tới hiểu (nếu may mắn, best case), hoặc là một cái không-hiểu-khác (average case) - hên là, không có worst case.

Vậy nên, đọc mà không hiểu: thôi mắng chửi tác giả là một học giả ngạo mạn, thích tỏ vẻ nguy hiểm - không (muốn) nghĩ cho chúng sinh người đọc; nhưng biết đâu, đấy là cách người ta ép mình đi qua những cái-không-hiểu (vốn là mặc định, bất khả) để dẫn tới những cái hiểu thâm sâu và cá nhân hơn... hoặc không. Biết đâu, biết đâu đấy! Vậy nên, đọc mà không hiểu là bình thường: average case, cứ trơ mặt ra mà đọc tiếp. Biết đâu lại hiểu! Hoặc không (đương nhiên rồi!). Biết đâu, biết đâu đấy!

[1][2][3]: Trường mình có Việt hóa đàng hoàng nhưng mình quên rồi. Có điều nếu được đặt tên tiếng Việt cho các môn đấy, bạn muốn đặt là gì? (đương nhiên là nếu mà bạn đã đọc đến dòng này 🥰😜🤪)

✍️ Bổ sung một điểm mà nửa đêm hôm qua còn có bạn hỏi:

Có hai điểm cần phân biệt rõ ràng trong thực hành viết, đó là readability - nghiêng hẳn về kỹ thuật, và rhetoric - nghiêng về lý luận. Ở đây, một người viết hoàn toàn có thể (manipulate) làm cho bài viết trở nên khó đọc bằng cách của họ, để đạt được những mục tiêu khác nhau. Ví dụ, muốn người đọc đi đọc lại, quanh quẩn với bài viết của mình nhiều hơn, vì thế mà có thể gặt hái được nhiều điểm thú vị riêng. Nhưng cũng có (lúc) người viết cố tình làm cho bài viết của mình "sai" về mặt lý luận/rhetoric, bằng (thường là hàng loạt) các ngụy biện (fallacy).

Điều đáng nói ở đây là cái thực hành thứ hai, cố tình ngụy biện, là cực kỳ nguy hiểm, đôi khi là thiếu đạo đức, nhưng lại khó nhận ra, và kể cả nhân ra thì người viết cũng ít khi bị "sứt mẻ" gì. Nhưng thực hành số một, trong nhiều trường hợp là một sự dũng cảm đặc biệt của người viết, nhưng thường dễ bị ném đá thậm tệ, đối với người đọc chỉ là đầu môi chót lưỡi, nhưng lại khiến người viết đến sứt đầu mẻ trán.

🖍️P/s: Hai trường hợp này xét trong điều kiện là người viết đều hiểu được tác động của những thay đổi đó trong bài viết (nhưng vẫn chọn làm)

🖍️P/s: Cái Ly ở đây nhé, không đi đâu cả. Ở nhà mấy tháng nay đấy 😍 

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin