Bộ ba tác phẩm Bertrand Russell, giá trị triết học và các vấn đề

"Tình yêu thì tốt hơn thù hận" nhưng tại sao tình yêu lại tốt hơn thù hận?

ByNGUYỄN MINH THANH

Ngày 23-08-2020 (GMT +7)

"TỐI ĐA HÓA THỎA MÃN

"Tình yêu thì tốt hơn thù hận" nhưng tại sao tình yêu lại tốt hơn thù hận? Trong quyển Những điều tôi tin, tác giả diễn giải theo hướng "tối đa hóa thỏa mãn". Giả dụ có một nhóm người thứ nhất với dục vọng được thỏa mãn nhiều hơn một nhóm người thứ hai, và, nếu làm cho tất cả dục vọng của nhóm người thứ hai có thể được thỏa mãn như trong nhóm người thứ nhất, cả hai nhóm sẽ ít xung đột hơn dựa trên sự thỏa mãn một số dục vọng phù hợp.

Nếu xã hội cho rằng cuộc đời thiện hảo do tình yêu truyền cảm hứng và do tri thức hướng đạo, và để các thành viên trong xã hội vẫn sống hòa đồng nhau mà tránh xung đột, Russell đã chỉ ra phương pháp "thay đổi tính cách và ham muốn con người theo chiều hướng hạn chế đến tối thiểu những trường hợp xung đột bằng cách biến sự thỏa mãn thành công  ham muốn của người này thành nhất quán nhiều nhất có thể với thành công của người kia. Đó là lý do tại sao tình yêu thì tốt hơn thù hận, bởi tình yêu đem lại hòa thuận thay vì xung đột cho các ham muốn của người liên quan. Một ví dụ tường minh cho lý thuyết này là nếu "hai người yêu nhau thì cùng thành công hay cùng thất bại, nhưng khi hai người thù hận nhau, thành công của kẻ này là thất bại của kẻ kia".

Bertrand Russell chỉ ra  rằng "Không chỉ khiếp sợ là căn nguyên của ác tâm mà lòng ghen tỵ và nỗi thất vọng cũng góp phần vào". Cứ như vậy, người này ghen tỵ với kẻ khác cũng chỉ vì họ thiếu may mắn hơn, họ bất hạnh hơn... và khi ghen tỵ thì họ đối xử ác với nhiều người đạt được thỏa mãn nhiều hơn. Như vậy, để biến cải đời sống của kẻ ghen tỵ thì cần tạo ra "thể chế xã hội" để biến kẻ ghen tỵ thành người hạnh phúc và vẹn toàn hơn, khích lệ con người chớ nên cạnh tranh mà hãy có lý tưởng vì "sự nghiệp tập thể".

Vốn dĩ, con người luôn đi tìm sự an toàn trong đời sống mà Bertrand Russell gọi là "sự an ninh" bằng cách giữ cho cá nhân/tổ chức của họ luôn ở thế áp đảo trước kẻ thù tiềm năng, nên "Chính vào thời khắc sợ hãi mà hành động tội ác trở nên lan rộn nhất và hung bạo nhất" và ông đã cho thấy qua ví dụ là vào thời  đại Victoria ở Anh quốc đã trở thành thời đại tiến bộ nhanh chóng vì "người ta hy vọng nhiều hơn sợ hãi. Nếu muốn thêm một lần nữa tiến bộ, thì thêm một lần nữa chúng ta phải để cho hy vọng ngự trị trong lòng". Ông tin rằng con người điềm tĩnh và đầy hy vọng luôn tìm cách giảm nhẹ được những ác tâm trong các tình huống xảy ra hoảng loạn.

Để xây dựng một cuộc đời thiện hảo thì chúng ta phải nâng cao về trí tuệ, đức tự chủ và lòng cảm thông. Ông phản đối quan niệm Thiên Chúa giáo chính thống, coi cuộc đời thiện hảo là cuộc đời đức hạnh, và đức hạnh lại là tuân phục ý chí Thiên Chúa, trong khi ý chí Thiên Chúa được mặc khải cho mỗi cá nhân qua tiếng nói lương tâm mỗi khác nhau. Ông cho rằng "để sống cuộc đời thiện hảo theo nghĩa trọn vẹn nhất thì một con người phải được giáo dục tốt, có bạn bè, tìn yêu, con cái (nếu có mong ước), đủ thu nhập để đáp ứng nhu cầu và khỏi lo sợ thái quá, sức khỏe tốt, và công việc không quá buồn chán". Ông cho rằng, hãy đối xử với phạm nhân như một con người mắc bệnh, vì không ai muốn đi tù để mất tự do, mà Tự do lúc chưa đi tù quá nhạt nên hãy làm cách tốt nhất để một con người không phạm tội là hãy làm cho tự do trở nên vui sướng hơn mức độ đôi khi nó đạt được hiện nay. Nên thể chế vận hành xã hội mà "việc vi phạm thì tốt hơn việc tuân thủ chúng, chắc chắn đó là lúc phải thay đổi các quy tắc ấy".

GIÁ TRỊ CỦA TRIẾT

"Liệu có tri thức nào đó trên cõi đời này chắc chắn đến mức hễ ai biết lý lẽ thì không thể hoài nghi?" - nghe có vẻ dễ trả lời là có hoặc không, nhưng theo Russell lại là câu hỏi mà không phải ai cũng đặt ra được. Và, hễ con người nào biết đi tìm ra câu trả lời là "sẽ bắt đầu nghiên cứu triết học". Khởi đầu cuốn Các vấn đề của triết học, triết gia Bertrand Russell đã dường như nhấn mạnh việc minh định tri thức của con người là đối tượng trong tác phẩm này của ông.

Là tri thức hay sự hiểu biết của con người thì có thể là đúng và cũng có thể là sai lạc. Nên "khác với tri thức về sự vật, tri thức của chúng ta về chân lý có một đối nghịch, đó là lầm lạc". Như thế, Russell cho rằng, với chân lý, sẽ có nhiều người với nhiều cách hiểu và diễn giải khác nhau, và như vậy phải chấp nhận rằng có nhiều người bị sai lạc ở đâu đó. Nên muốn nghiên cứu chân lý thì phải chấp nhận cái tính sai lầm, xem đó là đối tượng đối nghịch để làm rõ chân lý. Đơn cử, thiện và ác có quan trọng với vũ trụ không, hay chỉ quan trọng với con người? Các câu hỏi như thế được triết học đặt ra và chưa hề có câu trả lời nào có thể được chứng minh là đúng. Tuy vậy, triết học không chia vũ trụ thành hai phe đối địch bạn và thù, thiện và ác.

Ảnh: Pinterest  

"Chúng ta có thể tin cái sai cũng như tin cái đúng" vì trong nhiều chủ đề thì những người khác nhau có tư kiến khác nhau, cho nên niềm tin của một hoặc nhiều người bảo vệ tư kiến sẽ phải lầm lạc. Trong một trường hợp cụ thể, "làm sao chúng ta biết được những niềm tin của chúng ta không phải là lầm lạc?", tác giả cho rằng, đây là câu hỏi thuộc vào hàng khó nhất và không thể có câu trả lời hoàn toàn thỏa đáng.

Trước những tiến bộ của khoa học đã có những ngờ vực của những kẻ thực dụng khi đặt ra vấn đề "Giá trị của triết học là gì và tại sao phải nghiên cứu nó. Liệu triết học có cái gì đó tốt hơn ngoài sự phân biệt vô hại nhưng quá tỉ mỉ... và những trang cãi về chuyện tri thức?". Với Bertrand Russell, khi nào tri thức có thể xác quyết rõ ràng về chủ đề nào đó thì chủ đề ấy không còn gọi là triết học được nữa, ví như khi triết học nghiên cứu tâm trí con người, sau khi có thể xác quyết khoa học về nó thì nó đã trở thành khoa tâm lý chứ không còn là triết học nữa. Vì vậy, tác giả cho rằng, "Những câu hỏi nào có thể trả lời xác định được đặt vào các khoa học, trong khi chỉ những câu hỏi chưa có được câu trả lời xác định, cho đến hiện nay, vẫn còn ở lại để tạo thành phần cặn lắng được gọi là triết học". Đó là vấn đề được đặt ra bởi triết gia Bertrand Russell trong cuốn sách này.

CHÂN LÝ LÀ GÌ?

Cuốn thứ ba, Những tiểu luận của triết học, Bertrand Russell trình bày các tiểu luận Về lịch sử, Khoa học và giả thuyết, Lý thuyết nhất nguyên về chân lý, Bản chất của chân lý và sai lầm. Ở đây, người đọc sẽ gặp phải cụm từ "chân lý". Nhưng "chân lý là gì?" thì lại có nhiều cách hiểu khác nhau, nên sẽ có nhiều người đi tìm câu trả lời. Trên trang wikipedia bản tiếng Việt định nghĩa: "Chân lý là một sự thật của loài người luôn luôn đúng và tồn tại mãi mãi theo thời gian. Tuy nhiên tri thức của con người ở một thời điểm chỉ tiệm cận chân lý chứ không phải là chân lý".

Với Russell, trước khi trả lời câu hỏi, ông cho rằng cần đặt ra câu hỏi "cái này hay cái kia đúng hay không... và ai nêu câu hỏi ấy được coi như đã có sẵn ý niệm nào đó về Chân lý". Thế nên, ông dẫn dắt người đọc đi lòng vòng theo kiểu phương pháp quy nạp trong toán học. Khởi đầu là kiểu mệnh đề "Nếu chúng ta đúng khi nói những gì đúng hay sai, bao giờ cũng là phán đoán, vậy thì rõ ràng không có tính đúng sai, trừ phi có tâm trí thực hiện phán đoán". Từ đó, triết gia người Anh này đặt ra điều cần thiết đầu tiên cần làm rõ là mối quan hệ giữa tính đúng sai với tâm trí. Rồi ông lại đưa tiếp người đọc vào cái gọi là "quan hệ nhiều hạng tử" để cho thấy mỗi phán đoán là mối quan hệ giữa tâm trí với nhiều đối tượng, nhằm so sánh sự khác biệt giữa phán đoán và nhận thức. Cuối cùng, Russell kết lại “tính đúng sai chủ yếu là tính chất của phán đoán, thành thử không có tính đúng sai nếu không có tâm trí". Nghĩa là Chân lý phụ thuộc vào tâm trí và "điều này đưa ra định nghĩa về chân lý và sai lầm".

Thông tin sách:

Tác giả: Bertrand Russell; dịch giả: Huỳnh Duy Thanh. Bộ tác phẩm được phát hành năm 2019, bởi Viện Giáo Dục IRED và Nhà xuất bản Khoa học Xã hội

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin