Biến thách thức Covid-19 thành cơ hội kinh doanh

ByCỐ SỰ QUÁN

Ngày 01-08-2020 (GMT +7)

Đối mặt các thách thức liên quan dịch bệnh corona, có rất nhiều doanh nghiệp sáng tạo sẵn sàng bước ra để mang tới những giải pháp. Suốt tháng Ba và tháng Tư 2020, rất nhiều cuộc thi sáng tạo trên mạng về các giải pháp Covid-19 (được gọi là hackathon) đã thu hút hàng ngàn người từ 175 quốc gia khắp thế giới.

Từ những học sinh trung học ở Atlanta tạo ra nhóm phân phát thức ăn miễn phí cho nhân viên y tế tuyến đầu, cho đến những kỹ sư Colombia chế tạo máy trợ thở giá rẻ, các nhà sáng tạo khắp thế giới đã tạo ra loạt giải pháp cho các thách thức từ dịch bệnh. Rất nhiều trong số họ tìm cách biến những sáng tạo được gợi ý từ khủng hoảng Covid-19 thành các doanh nghiệp mang tính bền vững. Với tư cách một người đồng sáng lập một doanh nghiệp chuyên xây dựng các giải pháp kinh doanh, ngoài ra cũng là một giáo sư chuyên về Doanh nghiệp Xã hội và Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Emory, tôi xin góp ý kiến cho những sáng tạo nảy ra từ thách thức Covid-19 và đề nghị nên tập trung bốn bước quan trọng nếu các nhà sáng tạo muốn biến nó thành dự án kinh doanh dài hạn.

1/ Sáng tạo có hướng tới nhu cầu dài hạn không?

Các giải pháp mới và tốt nhất được tạo ra để hướng tới những vấn đề cụ thể, cấp bách và mang tính quy mô. Trong vài cách thức, khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra những vấn đề cấp bách nhất và tiềm ẩn những giải pháp rõ ràng. Ví dụ: Những người thuộc lĩnh vực chăm sóc y tế cần khẩu trang, những cơ sở gia công không có đơn hàng đang nhàn rỗi, công nhân lại đang thất nghiệp. Một doanh nghiệp xã hội, sẽ nhìn ra ba vấn đề cấp bách này và tìm cách giải quyết chúng: Huấn luyện công nhân sản xuất khẩu trang bằng những thiết bị gia công nhàn rỗi để cung ứng cho các nhân viên y tế. Tuy nhiên, liệu giải pháp của bạn có còn ý nghĩa với cả ba vấn đề này trong những năm tới?

Một số doanh nhân lấy cảm hứng từ những vấn đề mới mà dịch bệnh corona mang tới, chẳng hạn sự bùng nổ về chăm sóc sức khỏe từ xa, theo dõi bệnh nhân từ xa, và sử dụng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) trong chăm sóc sức khỏe. Ví dụ người chiến thắng cuộc thi Thách thức Covid-19 của Đại học MIT đã tạo ra một mô hình theo dõi sự cung ứng thiết bị y tế cho những bệnh viện đang có nhu cầu cấp bách nhất trên toàn quốc. Việc phân phối hiệu quả các thiết bị vật tư y tế rõ ràng là một nhu cầu thiết yếu hiện nay, và ngay cả sau khi đại dịch đã qua, vì giải pháp này vẫn mang giá trị cần thiết cho hệ thống y tế để giảm thiểu sự hoang phí và tiết kiệm chi phí trong tương lai. Mặt khác, một số tổ chức được lập ra xuất phát từ nhu cầu thực tế mang lại bởi Covid-19 hướng tới những giải pháp cấp bách và quan trọng hiện tại nhưng không chắc sẽ còn cần thiết sau khi đại dịch chấm dứt với hoàn cảnh thay đổi. Dịch vụ giao bữa ăn miễn phí cho nhân viên y tế tuyến đầu có thể thuộc vào nhóm thứ hai này.

Để xác định xem các giải pháp sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đang hướng tới một vấn đề ngắn hạn hay dài hạn, tôi khuyên giới doanh nghiệp nên nhìn về quá khứ một chút. Xây dựng một bảng phân tích cơ hội thị trường dựa vào những số liệu năm 2019 hoặc trước đó. Có phải giải pháp các bạn đang hướng đến giải quyết một vấn đề hiện tại từng là một vấn đề trước đó? Và nếu đúng như vậy thì nó có đủ lớn không? Tiếp theo, hãy liệt kê rõ những thay đổi cụ thể của vấn đề sau khi Covid-19 xuất hiện và xem rằng liệu vấn đề này đã lớn hơn như thế nào và sự cần thiết của giải pháp sáng tạo của bạn.

Ví dụ, nhu cầu y tế từ xa đã được giải quyết bằng các công nghệ chăm sóc sức khỏe  và thăm khám từ xa, nhu cầu này đã hiện hữu từ trước 2020. Điều thay đổi từ sau Covid-19 là sự tăng vọt trong nhu cầu, với những phương pháp theo dõi bằng video có sẵn và những công nghệ tại nhà, và như vậy để chăm sóc sức khỏe từ xa qua những thay đổi trong quy định và phương thức thanh toán, tất cả sẽ cùng nhau tạo ra một nhu cầu rất lớn trong tương lai đến những dịch vụ loại này.

2/ Xác định thị trường dài hạn

Bước kế tiếp là xác định xem liệu có một thị trường rộng lớn, có nhu cầu với dịch vụ hoặc sản phẩm của bạn trong tương lai hậu Covid-19 hay không. Một nghiên cứu được CB Insights tiến hành trước đại dịch chỉ ra rằng nhu cầu thị trường là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thất bại cho các công ty khởi nghiệp, với 42% công ty khởi nghiệp được dẫn chứng thất bại vì lý do này.

Tôi từng là thành viên của “câu lạc bộ khởi nghiệp thất bại” 20 năm về trước khi tôi bỏ dạy ở một đại học hàng đầu để tham gia sáng lập một công ty chuyên về Y tế Kỹ thuật số. Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng một nguồn tài nguyên y tế trực tuyến cho khu vực Mỹ Latin. Sau khi bắt tay thực hiện, chúng tôi nhận ra rằng chỉ có vài triệu người nói tiếng Tây Ban Nha sử dụng mạng internet lúc đó - thị trường quá nhỏ để xây dựng một doanh nghiệp loại này vào thời điểm đó. Quan trọng nhất, chúng tôi đã mắc phải một sai lầm lớn khác đối với các tân binh khởi nghiệp: Chúng tôi quá chú trọng vào công nghệ, và không có đủ khách hàng.

Thiết kế doanh nghiệp hướng đến người dùng dạy chúng tôi rằng, để một doanh nghiệp có thể tồn tại lâu dài thì sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng rất quan trọng, chẳng hạn, như khách hàng của bạn là ai? Sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể phù hợp với thế giới của họ thế nào? Là một doanh nhân, bạn phải tự trả lời được hai câu hỏi: Sự sáng tạo của bạn có tạo được hứng thú từ khách hàng? Và liệu sẽ có đủ khách hàng để vận hành và phát triển doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát?

3/ Thay đổi trọng tâm (khách hàng) khi cần thiết

Nếu bạn xác định rằng thị trường hiện tại không còn đủ lớn trong tương lai hậu Covid, bạn có thể thay đổi trọng tâm khách hàng, như chúng tôi từng làm. Trong năm năm đầu tiên, công ty chúng tôi cố gắng duy trì sự tồn tại bằng cách bán các bản dịch thuật và dịch vụ tiếp thị cho các hệ thống bệnh viện ở Mỹ phục vụ đa số bệnh nhân nói tiếng Latin, nhằm duy trì tồn tại trong thời gian chờ đợi để hướng tới nửa tỷ khách hàng nói tiếng Tây Ban Nha có nhu cầu về thông tin sức khỏe. Nếu thay đổi trọng tâm chiến lược, điều cần thiết là phải thực hiện sớm, chủ động và thận trọng. Có rất nhiều các câu chuyện trên truyền thông hôm nay về những dự án khởi nghiệp đã phải thay đổi trọng tâm khách hàng để tồn tại.

4/ Lên đồ án mô hình kinh doanh

Có những sáng tạo xuất phát từ Covid-19 miễn phí hoặc được các nhà tài trợ hỗ trợ nếu họ thấy rằng nó phù hợp để đáp ứng với nhu cầu cấp thiết hiện tại. Giới lãnh đạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng nên biết rằng, những đóng góp cho các tổ chức phi lợi nhuận không liên quan Covid-19 đang giảm. Để duy trì một kiểu tổ chức nhận đóng góp từ thiện trong thời gian dài trước tình hình kinh tế hiện tại sẽ rất khó khăn trong tương lai.

Những nhà sáng tạo từ Covid-19 nên xem xét các mô hình có doanh thu đến từ nguồn gốc kinh doanh và xã hội. Các doanh nghiệp xã hội hướng đến mục tiêu kép từ tác động xã hội và tăng trưởng tài chính đã nhắm tới hàng loạt mô hình kinh doanh để đồng thời đạt được hai mục tiêu song song này. Ví dụ, một nhà sáng tạo từ Anh đã đưa ra mô hình bán hàng “mua một, tặng một” cho thiết bị mới được sáng tạo, sản xuất và đưa ra thị trường “tay bấm vệ sinh” (hygienehook) của mình.

Ngày nay doanh nhân đang lập mô hình kinh doanh nên nhìn lại một chút về quá khứ, đặt các giả thuyết cho công ty và doanh nghiệp của họ sẽ ra sao khi nền kinh tế bị tác động. Trong suốt cuộc “đại suy thoái” những năm 2008, ví dụ, Mark Johnson, Clayton Christensen, và Henning Kagermann đã giới thiệu một mô hình framework để đổi mới kinh doanh tương tự ngày nay. Tôi đề nghị các doanh nhân nên sử dụng framework này để nhận biết về giá trị khách hàng, công thức lợi nhuận, nguồn lực cốt yếu và quy trình cần thiết để cung cấp dịch vụ như định hướng của họ trong tương lai với những giải pháp cho thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 đã xác nhận cho câu nói “khủng hoảng là cha đẻ của những sáng tạo và cơ hội”. Chúng ta đều nhớ rằng nhờ có Thế chiến thứ hai mà máy tính kỹ thuật số ra đời, cũng như những phát minh không ngờ tới khác chẳng hạn keo siêu dính (super glue). Hiện tại vẫn chưa rõ trong số hàng chục ngàn doanh nghiệp ra đời trong dịch bệnh Covid-19 với những sản phẩm và dịch vụ mang đến liệu có thành công trong tương lai dài hạn, nhưng qua những bước đi này, sẽ có các phát minh mới mà con người sẽ cần trong tương lai nhiều năm và ngay cả vài thập niên tới.

Nguồn: Harvard Business Review

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin