Ngày 06-08-2020 (GMT +7)
Môi trường tự nhiên gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hóa học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, động, thực vật, đất, nước... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng cấy, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hóa các chất thải, cung cấp cho ta cảnh đẹp để giải trí, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú...
Có thể thấy môi trường tự nhiên tác động một cách tích cực đến đời sống của con người nhưng chúng ta lại tác động ít nhiều một cách tiêu cực nhất đến môi trường tự nhiên. Có sử dụng là có tiêu hao, có sử dụng là tạo ra chất thải, có thể thấy hầu như chẳng có cách nào để chúng ta bảo vệ môi trường cả. Bảo vệ là giữ gìn sự nguyên vẹn nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng hy sinh những tiện ích hàng ngày để bảo vệ sự nguyên vẹn của môi trường tự nhiên. Câu trả lời chắc chắn là không và bảo vệ môi trường tự nhiên là điều không thể thực hiện được.
Có rất nhiều kiến thức về bảo vệ môi trường được phổ cập từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, thậm chí là đại học nhưng hành động đi đôi với những bài giảng ấy thật sự rất thấp. Ở đây chúng ta không lên án ai cả chúng ta chỉ đơn giản phân tích vì sao và như thế nào? Vậy vì sao dù được học những kiến thức hay ấy nhưng chúng ta lại khó áp dụng đến như vậy? Theo góc nhìn cá nhân của tôi thì có ba yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến thành động đó là: Luật Pháp; Cơ sở vật chất; Ý thức cá nhân.
Chúng ta hãy lấy ví dụ nhỏ nhất và gần gũi nhất từ hàng xóm chúng ta đó là Đảo Sư Tử Singapore. Từ năm 1990, Singapore đã chính thức áp dụng lệnh cấm nhai kẹo cao su cũng như bán kẹo với mục đích làm sạch đường phố. Bạn hoàn toàn có thể bị phạt đến 1.000 đôla Singapore và lao động công ích 10 giờ. Có thể thấy chính luật pháp nghiêm minh này để giúp hạn chế tối đa rác thải nhựa từ kẹo cao su tràn lan trên đường phố, và đặc biệt tiết kiệm chi phí rất lớn để dọn vệ sinh cho các loại rác thải nhựa này.
Ví dụ thứ hai là về cơ sở vật chất. Nhớ lại năm 2013 khi được sử dụng ké cơ sở vật chất của Đại học Wageningen tại Hà Lan, thứ làm tôi ấn tượng nhất là thùng rác của họ. Thùng rác có bốn màu: Xanh, Trắng, Đỏ, và Đen. Mỗi thùng đều có chữ hướng dẫn cũng như hình ảnh cụ thể để giảm tối đa sai phạm của người dùng. Thùng xanh có chữ Organic (Hữu Cơ) có nghĩa là rác hữu cơ như vỏ chuối, vỏ quýt hay đơn giản là ổ bánh mì không ăn được; thùng trắng là để đựng giấy rác văn phòng; thùng đỏ là chai nhựa, bìa carton; còn thùng đen là những thứ không có khả năng phân loại. Có thể thấy cơ sở vật chất cũng đóng vai trò quan trọng không kém việc tác động tiêu cực hay tích cực đến với hành tinh của chúng ta.
Ví dụ cuối cùng là về hành vi con người, nếu luật pháp nghiêm minh bạn sẽ không dám làm sai, nếu cơ sở vật chất đầy đủ và tạo điều kiện thì phần trăm bạn làm sai sẽ rất thấp. Chính hai yếu tố trên nó khiến hành vi của bạn trở nên tích cực hơn với môi trường. Và hành vi được lập đi lập lại trong thời gian dài sẽ trở thành thói quen và thậm chí là văn hóa sống. Chính vì thế khi bạn đến các nước châu Âu thì văn hoá của họ là đi xe đạp, sử dụng năng lượng sạch, đi bộ, sử dụng ít rác thải nhựa. Họ không rêu rao bảo vệ môi trường hay giảm tác hại môi trường mà là họ hành động. Vì bảo vệ môi trường đã là hành vi, đã là nét văn hóa, và thậm chí là tiềm thức trong chính mỗi con người nơi đây.
Thay vì kêu gọi suôn bảo vệ môi trường, chúng ta hãy dùng luật pháp, chúng ta hãy cải thiện cơ sở vật chất để từ đó văn hóa bảo vệ môi trường được hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo cũng về môi trường nhưng với một cái nhìn chi tiết hơn về các khía cạnh sau đây:
THÀNH TỰU VỀ MÔI TRƯỜNG (Vật liệu thay thế, năng lượng thay thế)
THẢO LUẬN VỀ TƯƠNG LAI. LIỆU NHÀ KINH TẾ HỌC ĐÚNG HAY LÀ NHÀ HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG ĐÚNG? (Nhà Kinh Tế Học: Môi trường luôn luôn thay thế được bằng kinh tế; Nhà Hoạt Động Môi Trường: Môi trường cần được bảo vệ bằng mọi giá)
KINH TẾ TUẦN HOÀN LIỆU CÓ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG? (Circular Economy, Biobased Economy)
Bài viết liên quan