Bạo hành giáo viên – nghiêm trọng hơn ta tưởng!

Bạo hành giáo viên – nghiêm trọng hơn ta tưởng!

Ngày 22-02-2021 (GMT +7)

ByTS. NGUYỄN PHƯƠNG MAI

A note from the author: I'm shocked figuring out 1 in 4 teachers has been subjected to violence from students. Most schools don't have a proper support system. Teachers also fear being seen as weak and losing their jobs so they don't report it to school management. This is shameful and unfairly adding more stress to an already stressful profession.

Minh họa: Education Week

Khi cô giáo Andrews đang giảng bài, một học sinh lớp 6 giở trò phá quấy. Cô đi xuống chỗ cậu ta ngồi và cúi xuống để nói chuyện. Bất ngờ, cậu học sinh vung tay đấm thẳng vào mặt Andrews. Học sinh đó bị đuổi học sáu ngày. Khi cậu ta quay lại lớp học, Andrews cảm thấy không an toàn và chia sẻ với hiệu trưởng. Tuy nhiên, hiệu trưởng nói rằng cô cần phải tự xốc lại tinh thần và đối mặt với sự thật. Andews không chịu thua và quyết định khởi kiện cậu học sinh vì đã tấn công bạo lực, và cô cũng kiện luôn nhà trường vì đã không có các chế tài hỗ trợ cô thoả đáng sau khi bị tấn công (1).

Những trường hợp khởi kiện và thắng kiện như cô giáo Andrews là hiếm, nhưng những vụ tấn công giáo viên thì nhiều đến mức báo động. Ở Mỹ, cứ 10 giáo viên thì có một người từng bị học sinh đe dọa, và một nửa trong số bị đe dọa thực sự bị tấn công bạo lực - điều này dẫn đến việc tổn thất gần một triệu ngày công và 2 tỉ USD mỗi năm (2). Con số này ở Anh còn cao hơn, cứ bốn giáo viên thì có một giáo viên bị tấn công bạo lực hàng tuần, từ việc cố tình va chạm mạnh hoặc xô đẩy vào người, cho đến những hành động nghiêm trọng hơn như đấm hoặc đá vào thân thể. 9/10 giáo viên bị học sinh chửi mắng hoặc tấn công trong vòng một năm trở lại đây (3). Tại Úc nơi tôi đang tạm trú trong dịp đại dịch này, tình trạng không kém phần thê thảm, nhất là ở lớp tiểu học. 68% giáo viên phải chịu đựng bạo lực trong lớp (4).

Ở Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo có thể làm hiện tượng này ít hơn nhiều các quốc gia phương Tây, tuy nhiên, bạo lực với giáo viên là điều chắc chắn xảy ra. Điển hình là trường hợp gần đây, dân mạng lan tỏa clip một em học sinh vì bị thu tai nghe mà bước lên bục giảng tát giáo viên trước toàn thể lớp học. Việt Nam giống các nước phương Tây là đều có bạo hành với giáo viên, và đây đều là những chủ đề thiếu sự quan tâm đúng mức. Việt Nam thậm chí tôi vẫn chưa tìm ra số liệu thống kê chính thức. Ở phương Tây, lý do quan trọng nhất khiến cho hình thức bạo hành này bị dễ bị phớt lờ là vì chính giáo viên cảm thấy uy tín của mình bị đe doạ. Vì thế chỉ có 1/5 giáo viên sau khi bị bạo hành dám báo cáo với nhà trường. Họ có thể bị nhìn nhận là yếu kém, thậm chí mất việc.

Lý do thứ hai là giáo viên hoàn toàn thiếu một hệ thống trợ giúp hiệu quả. Chỉ 12% trong số người bị bạo hành tìm gặp chuyên gia tâm lý để hồi phục thương tổn tinh thần (5). Nhà trường cũng ngại ngần không muốn động đến vấn đề bạo hành. Suy cho cùng, đến thầy cô giáo mà còn bị đánh đập thì trên đời này hỏi còn chỗ nào an toàn?

Tại Anh: Theo Liên đoàn giáo chức quốc gia (NASUWT), 9/10 giáo viên cho biết họ từng bị xúc phạm bằng từ ngữ lẫn thể chất trong năm 2018 (Getty Images)

Vậy giải pháp là như thế nào? Nhiều quốc gia bắt đầu chú trọng hơn trong việc đào tạo giáo viên các kỹ năng tâm lý như quản trị cảm xúc (emotional/anger management), giải quyết xung đột (conflict management) và phòng tránh bạo lực (violence prevention).  Tương tự ở Việt Nam, bao nhiêu giáo viên được học cách điều tiết cảm xúc cho trẻ con, học cách điều phối cảm xúc của chính mình, học cách không dùng bạo lực, học cách không kích động học sinh bằng la mắng và trừng phạt, học cách tôn trọng học sinh mà không mất đi sự uy nghiêm, học cách cân bằng giữa sự tôn vinh nghề nghiệp và sự thật trần trụi của cuộc sống?

Giải pháp lâu dài thứ hai là xây dựng một hệ thống trợ giúp cho giáo viên khi đối mặt với bạo hành. Tôi muốn hỏi xem cô giáo bị đánh ở Việt Nam có được gặp chuyên gia tâm lý không? Có ai giúp cô vượt qua sang chấn tinh thần? Nhà trường đã nói gì với các học sinh trong lớp của cô? Sự việc được xử lý ra sao để cô lấy lại danh dự và uy tín khi trở lại bục giảng? Có ai nói chuyện với các học sinh để các em chung tay động viên cô giáo? Trong trường có tồn tại những tư liệu, khóa học, nguồn chuyên gia để giúp cô giáo lẫn các em học sinh lấy lại thăng bằng?

Giải pháp thứ ba là nhìn nhận lại cách trừng phạt học sinh, nhất là việc cho thôi học. Ở phương Tây, học sinh hư thường bị yêu cầu ngồi trong một căn phòng riêng để suy nghĩ, hoặc gửi về nhà một hoặc vài ngày (suspenssion/detention). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy đây là phương pháp không hiệu quả, thậm chí hiệu quả ngược. Các em bị trừng phạt kiểu này càng có xu hướng bỏ học, mắc lỗi, hoặc thậm chí phạm tội nghiêm trọng khi lớn lên (6). Càng ngày càng có nhiều trường học xóa giảm hình thức trừng phạt này.

Về bản chất, hình thức tống cổ ra ngoài lớp học như vậy là cách trừng phạt dễ nhất nên nó xảy ra thường xuyên nhất. Trẻ con khi bị phạt mà không được quan tâm, lắng nghe, hỗ trợ, khuyên bảo, động viên, giúp đỡ và có kế hoạch theo dõi sự tiến bộ thì chỉ khiến chúng trở nên phẫn nộ hơn mà không lớn khôn hơn. Trong môi trường Giáo dục thường xuyên, tỷ lệ các em bị rối loạn hành vi khá nhiều. Vì vậy, cách giải quyết lý tưởng nhất với em học sinh tát cô giáo là xác định tình trạng tâm lý của em này, kết hợp với gia đình để tìm ra nguồn gốc của hành vi, xác định các nguyên nhân sinh lý, tâm lý, các yếu tố gia đình, môi trường nếu có... Từ đó, có kế hoạch dài hơi điều chỉnh, kết hợp cả gia đình nhà trường.

Các trường giáo dưỡng và cả các trường bình thường đều nên có chuyên gia tâm lý. Các giải pháp tâm lý như Cognitive Behavioural Therapy hay các liệu pháp tinh thần như thiền/yoga/mindfulness đều là các phương pháp hiệu quả để điều chỉnh hành vi và chữa rối loạn tâm lý/hành vi đang được sử dụng nhiều trong môi trường giáo dục.

Trong trường hợp của em học sinh tát cô giáo ở Việt Nam, việc em bị đuổi học hẳn một năm là một sự thất bại của hệ thống giáo dục, tương tự với việc phủi tay với một đứa trẻ con phạm lỗi. Cũng giống như cha mẹ không dạy được con thì đuổi nó ra đường để trừng phạt mà quên rằng đứa bé ấy chỉ hư thêm khi bị tống ra đường. Bị thôi học một năm rất ít có khả năng khiến đứa trẻ kia trở thành một kẻ khôn lớn hơn, mà đôi khi còn khiến nó hỏng thêm. Cũng giống như nhà tù vậy, nhiều kẻ ác ít sau khi ra tù trở thành ác nhiều. Sự trừng phạt không đúng cách cũng giống như sự phủi tay một cách lười biếng, và hậu quả là có khi lợn lành hóa lợn què.

Và nói thật, còn gì tréo ngoe hơn khi tước bỏ quyền được dạy dỗ của một đứa trẻ con đang cần được dạy dỗ?

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin