Bạn có tin vào trực giác không?

ByLÂM VÂN AN

Ngày 13-08-2020 (GMT +7)

Hôm nay tôi vừa nghe một đồng nghiệp kể một câu chuyện về trực giác. Nghe nổi da gà luôn. Ealy ngồi bên phải của tôi, năm nay 36 tuổi. Chị ấy còn độc thân, sống tự lập từ nhỏ. Chị kể hôm cuối tuần, chị dậy sớm hẹn bạn ra biển câu cá. 6 giờ sáng, chị đã ra đến cây xăng đầu phố. Thấy bình xăng cạn, chị quyết định quẹo vào đổ xăng. Thình lình, có cái gì đó thôi thúc chị tránh thật xa khỏi chiếc xe yêu quý. “Cái gì đó” thôi thúc chị mãnh liệt đến nỗi chị phải co giò lên bỏ chạy thật nhanh vào quầy bán xăng. Ngay lúc đang chạy thì vụt ngang đầu xe chị thấy một gã to con đang khum khum núp ngay đầu xe chị. Gã đuổi ngay sát lưng nhưng đến cửa tiệm thì gã dừng lại vì không dám vào tiệm. Một phen hú hồn kinh hãi. Ealy cho rằng chính nhờ trực giác mà chị thoát hiểm.

Để hầu chuyện Ealy, tôi cũng kể cho chị câu chuyện trực giác của tôi trên hành trình khám phá rừng quốc gia Umpqua của thổ dân da đỏ. Hôm đó mùa hè, trời nắng chói chang, gia đình nhỏ bé của chúng tôi đã thám hiểm Crater Lake hai ngày (hồ nước được tạo từ hoạt động của núi lửa với toàn bộ nước là do tuyết tạo thành, trông tuyệt đẹp ở vùng Tây Bắc nước Mỹ). Mọi người bắt đầu chán chê rồi và định đi một vòng rồi về thành phố Portland. Không ngờ chạy loanh quanh một lúc thì bị mất tín hiệu GPS. Ngay lúc đó, chúng tôi phát hiện mình đã lạc vào khu rừng của một tộc da đỏ (Tokette) tự lúc nào.

Trước mắt chúng tôi là những ngọn núi xanh rì mời gọi. Nguy hiểm hay không? Quay ra hay đi tiếp? Chúng tôi còn 10 tiếng đến khi Mặt trời lặn. Trong lòng tôi có gì đó thôi thúc “đi lên núi đi”, “sẽ hay lắm”. Thế là tôi quyết định bẻ cây làm gậy. Cả nhà, hai vợ chồng cùng hai đứa trẻ con, theo lối mòn nhỏ xíu lên núi. Đi chừng một tiếng len lỏi trong rừng qua mấy ngọn đồi thì trước mắt tôi mở ra một cảnh tượng bồng lai tiên cảnh: những ô đá từ suối nước nóng chảy ra ngay giữa lưng chừng núi. Hơi nóng bốc lên len ra giữa lưng chừng màu xanh rì của đồi núi, cảnh vật mờ ảo như không có thực (xem ảnh).

 

Đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy suối nước nóng ở đâu đẹp vậy: các vỉa đá được làm thành hình tròn như những bồn tắm nước nóng và thiết kế thành bậc thang (bậc cao thì nước nóng hơn, bậc thấp thì nước ấm ấm. Mùa hè Oregon 70 độ F (20 độ C), cả bọn chúng tôi reo lên và ngâm người giữa những vỉa đá! Đó là suối nóng thiên nhiên tuyệt vời nhất mà tôi từng đến. Nhờ trực giác!  

Bạn có tin vào trực giác không? 

Trực giác được định nghĩa là khả năng nhận biết điều gì đó hiện hữu dù không có bằng chứng tồn tại. Từ xưa, trực giác được xem là giác quan thứ sáu của loài người. Tôi tin là Thượng đế ban tặng nó cho loài người như ban một món quà kỳ lạ giúp ta “lạng lách” giữa thiên la địa võng cuộc đời. Trong khi nhà nhân chủng học nổi tiếng Margaret Mead cho rằng “trực giác là kết quả cao nhất trong tâm thức một người khi họ đã đạt sự hiểu biết cao nhất về quan hệ giữa người với người”, nhà văn D. H. Lawrence (tác giả quyển Lady Chatterley’s Lover) thì cho rằng “trực giác là kết tinh của tình dục và vẻ đẹp”.  

Trực giác luôn cố gắng “nói” với chúng ta bằng những cách sáng tạo nhất. Lúc thì nó thôi thúc ta không nên làm thứ gì đó (như Ealy); lúc thì nó kêu gọi ta hãy thử cái mới đi. Tôi nghĩ trực giác có thể là thứ quyết định ai sẽ sống còn trong lúc thập tử nhứt sinh. Trực giác là thứ giúp loài thú sống còn giữa hiểm nguy hoang dã. Nó cũng là thứ giúp một người chiến thắng, trở thành kẻ cuối cùng sống sót - thành the last man standing. Giữa môi trường cạnh tranh khốc liệt một sống một còn, khi mà sức mạnh, kiến thức, kỹ năng ngang nhau thì trực giác là thứ có thể mang lại chiến thắng. 

Câu hỏi được đặt ra có lẽ không phải bạn định nghĩa trực giác là gì, mà là bạn có cho trực giác cơ hội để thể hiện và “mời gọi” bạn không. Nếu bạn chịu để lòng tĩnh lặng, chịu kết nối với con người bên trong bạn, trực giác sẽ đến bên bạn - có thể qua trí tưởng tượng, có thể bằng một tiếng nói thôi thúc nào đó. Cho dù là cách nào thì “nàng” ấy chỉ đến khi bạn tin “nàng” tồn tại và tin tưởng vào "nàng".

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin