22 JULY- câu chuyện thật về một ngày thay đổi một quốc gia

ByPHƯỚC CHÂU

Ngày 19-08-2020 (GMT +7)

Kể từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai năm 1945, có lẽ năm 2011 là một trong những cột mốc kinh hoàng trong lược sử thời gian của Châu Âu nói chung và với riêng Na Uy.

Nhất là tại thủ đô Oslo của Na Uy- thành phố biểu tượng đồng thời là quê hương của giải Nobel Hòa bình, nơi xảy ra vụ khủng bố tàn bạo và đẫm máu vào ngày 22 tháng 7 năm 2011, khiến Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg hồi ấy phải thảng thốt mô tả đó là “một thảm kịch quốc gia” và cũng là “cơn ác mộng” đối với đất nước Na Uy thanh bình.

Đó là cuộc khủng bố tấn công kép, đầu tiên là một vụ nổ lớn làm rung chuyển trung tâm Oslo lúc 15h26' (giờ Na Uy) ngày 22 tháng 7 (20h26' giờ Hà Nội)- với bom tự chế, chất trong xe, làm hư hạ nặng tòa nhà văn phòng Thủ tướng, trụ sở Bộ Dầu mỏ và Bộ Tài chính, cùng với văn phòng một tòa báo, các chấn động vỡ cửa sổ trong khu vực kéo dài gần 300m, khiến tám người thiệt mạng. Tiếp theo là cuộc xả súng xuyên suốt khoảng 30 phút trên đảo Utoya (cách 40km về phía Tây Oslo), khiến 69 học sinh- sinh viên đang tham gia Trại hè Thanh niên của đảng Lao động cầm quyền phải chết thảm khốc. Cuộc khủng bố diện rộng này cũng khiến cho hơn 200 người bị thương, đồng thời để lại nhiều di chứng tổn thương về thể chất lẫn tinh thần mãi về sau cho người Na Uy.

Thủ phạm bị bắt 75 phút sau đó, không thèm kháng cự biệt đội Delta của Oslo, và cảm thấy tự mãn với hành động khủng bố của mình. Đó là Anders Behring Breivik, một kẻ cực hữu 32 tuổi vào lúc đó (sinh năm 1979).

Anders Danielsen Lie trong vai kẻ khủng bố Anders Behring Breivik trong “22 July” (Netflix)

KHI ĐIỆN ẢNH CHẠM VÀO NỖI ĐAU & KẺ THÙ QUỐC GIA

Vào ngày 21 tháng 8 năm 2017, đạo diễn Paul Greengrass người Anh, nhà làm phim chuyên về các sự kiện lịch sử, thông báo rằng ông sẽ kể câu chuyện điện ảnh của mình với nỗi đau này của Na Uy, về “kẻ thù quốc gia” của họ, với dự án phim “22 July”- phim hợp tác đa quốc gia: Na Uy- Ireland- Mỹ, với ngôn ngữ thoại bằng tiếng Anh và tiếng Na Uy, kinh phí đầu tư sản xuất ước lượng 20 triệu USD. Việc sản xuất phim chính thức bắt đầu vào cuối năm 2017, phát hành trực tuyến trên kênh Netflix từ ngày 10 tháng 10 năm 2018. Phim cũng đã có một buổi giới thiệu đặc biệt tại các rạp chiếu phim vùng bán đảo Scandinavie ở Bắc Âu, vào ngày 4 tháng 10 năm 2018. Trước đó “22 July” đã được công chiếu ra mắt trên toàn thế giới tại Liên hoan phim Venice lần thứ 75, vào ngày 5 tháng 9 năm 2018 (tranh giải Sư Tử Vàng Venice 2018).

Ngay từ tiêu đề mang tính “tài liệu hóa” kiểu docudrama film, đạo diễn Paul Greengrass đã thể hiện rõ nét cách thức chọn kể chuyện trực diện với sự kiện khủng bố diễn ra ngày 22 tháng 7 năm 2011, vốn dĩ vẫn luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của xứ sở Na Uy và khu vực Bắc Âu trong nhiều năm sau đó. Câu chuyện điện ảnh được kể gồm ba phần chủ đạo, về tâm thức của những người sống sót; về hệ thống chính trị của Na Uy và về việc các luật sư cùng tòa án đã phải đau đầu khi đối mặt với hành vi khủng bố cùng nhân cách biến dị của kẻ thủ ác.

Đạo diễn Paul Greengrass trên phim trường “22 July” (indianexpress)

Với sở trường làm phim về đề tài khủng bố, Paul Greengrass cũng đã từng thực hiện nhiều phim gây tiếng vang trên trường quốc tế, trong đó có “United 93” (phát hành năm 2006; hợp tác đa quốc gia: Mỹ- Anh- Pháp; với 2 đề cử Oscar năm 2007), nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình về phong cách “tài liệu hóa” khi kể chuyện với sự kiện có thật, liên quan chuyến bay định mệnh của United Airlines ngày 11 tháng 9 năm 2001, cũng thuộc về một cuộc tấn công kép trong vụ khủng bố “11 tháng 9” kinh hoàng với nước Mỹ và thế giới. Sự kiện này cũng là một trong những tiền đề bước ngoặt, tác động mạnh đến nhận thức cùng hành vi khủng bố của kẻ cực hữu Anders Behring Breivik ở Na Uy, trong câu chuyện phim “22 July”

Mặc dù làm phim “dựa trên các sự kiện có thật” (based on true events) với nền tảng hành động kịch tính trong thực tế, với “22 July” thì Paul Greengrass không đơn thuần “tham” lối kể chuyện “bề nổi” theo kiểu Hollywood, bởi hầu như các hành- động- hóa trong sự kiện khủng bố Na Uy này đã được lượt thuật, nhường phần khai thác sâu về tình cảnh những người sống sót sau thảm họa quốc gia, và khắc họa những cuộc đối đầu tâm lý- pháp lý giữa luật sư biện hộ và tòa án, với kẻ khủng bố.

Có thể thấy, hình ảnh các cảnh thảm sát “máu lửa” của phim không được Paul Greengrass khắc họa nhiều, như với hình ảnh luôn được miêu tả rõ nét về nạn nhân sống sót- chứng nhân sống động của lịch sử. Chẳng hạn, nạn nhân tiêu biểu trong câu chuyện phim là một cậu bé bị vết đạn bắn vào hốc mắt phải khiến bị hư một mắt “chẳng thể thấy tương lai”, đường bắn trổ ra phía sau- ca phẫu thuật sọ não của các bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã được thể hiện đặc tả một cách chân thực.

Thân nhân tưởng niệm nạn nhân bị giết trong vụ khủng bố (New York Times) 

Hồ sơ bệnh án cũng được chú trọng làm rõ trên phim, từ việc nạn nhân bị đạn bắn vào cả hai tay cùng thân dưới bên phải. Với tổng cộng năm phát đạn cố sát, trong đó có một viên đạn đã phát nổ trong đầu, có một sổ mảnh đạn nằm gần cuống não, mảnh vỡ có thể dịch chuyển, đồng thời có thể gây tử vong. Và phải được phẫu thuật tiếp tục để lấy nó ra vào một ngày nào đó! Tiếp cận thông tin chi tiết với di chứng tổn thương não này của nạn nhân sống sót khiến người xem có phần đồng điệu về thứ “biểu tượng” di chấn ngầm, vẫn còn luôn âm ỉ và sẽ có ngày bộc phát trở lại trong lòng người Na Uy.

Bởi thế, phút giây mà cậu bé nạn nhân tỉnh lại sau cơn hôn mê đầy khủng hoảng, người xem cảm thức như thể cả Na Uy cũng đã tỉnh lại sau trận cuồng sát từ kẻ khủng bố! Hoặc, với cách kể chuyện và dựng phim song hành giữa lúc phiên tòa xét xử kẻ khủng bố đang sắp diễn ra và tình cảnh người sống sót, người xem lần nữa cảm giác như trong từng bước đi gian khó lúc tập vật lý trị liệu của nạn nhân tưởng chừng đã tan- nát- cơ- thể, dường như cũng là từng lúc Na Uy đang phục hồi dần, sau thảm họa quốc gia.

Hiển nhiên, ngay cả với sự kiện có thật của vụ khủng bố Na Uy này, từng được truyền thông quốc tế cùng tham gia tường thuật cận cảnh và phân tích chi tiết ngay từ những ngày đầu của nhiều năm về trước- kể từ lúc vừa diễn ra cực kỳ gây sốc khắp vùng Bắc Âu vào buổi chiều “thứ Sáu đen” của ngày 22 tháng 7 năm 2011, đạo diễn Paul Greengrass cũng đã chọn lối kể chuyện “22 July” bằng động thái của người cẩn trọng lần giở trang sử bi thương của ngày qua, từng bước tiệm cận với góc khuất của sự kiện từ tâm lý vô cảm đến mức quái dị của kẻ khủng bố Anders Behring Breivik, vốn dĩ vẫn luôn gây tranh cãi không ngừng giữa tư pháp Na Uy và công dân sở tại về giới hạn nào của tự do và nhân quyền.

Minh chứng cho đường hướng kể chuyện này của Paul Greengrass trong phim “22 July” chính là những cảnh phim với nhiều động tác máy cầm tay, bám sát các nhân vật trong cảnh với hầu hết cảnh quay đều có tiền cảnh là những bóng mờ vô định hình, như thể người làm phim đang cố gắng tìm cách khám phá nhiều sự thật hơn nữa vẫn còn khuất lấp của bản thân sự kiện liên quan.

Cảnh trong “22 July” (Netflix)

KHI TÒA ÁN NHƯ LÀ “SÂN KHẤU”

Bởi, kẻ chịu trách nhiệm về nỗi đau của Na Uy và cái chết của 77 công dân vô tội lại không có dấu hiệu hối hận nào trong phòng xử án. Hắn say mê thưởng thức quá trình tố tụng, hoàn toàn thoải mái, thậm chí háo hức như thể Tòa án là “sân khấu” của riêng hắn! Kẻ khủng bố có quan điểm dân tộc cực đoan này tự biết hắn là con quái vật, một cách tự hào! Vì đã tự tay loại bỏ được những người nhập cư, giúp Châu Âu loại trừ người Hồi giáo và các chủ thuyết đa văn hóa. Vì đã hoàn thành sứ mệnh của người được chọn, thông qua bản Tuyên ngôn (với văn bản dài 1.500 trang) được tung lên mạng trước khi hành động khủng bố.

Trước phiên tòa xét xử chính thức- phiên tòa cố làm những gì tốt nhất cho Na Uy- được mở vào thứ Hai ngày 16 tháng 4 năm 2012 và kéo dài trong 10 tuần, kẻ khủng bố Anders Behring Breivik cũng đã luôn khiến cho ngành tư pháp Na Uy bị xoay như chong chóng trong cơn bão.

Bởi, trong tiến trình chuẩn bị tố tụng, hai nhà tâm thần học do tòa án chỉ định đã kết luận rằng Anders Behring Breivik bị mắc chứng “Tâm thần phân lập thể hoang tưởng nhân cách” và có thể đã gây án trong tình trạng “mất trí”, thông qua bản báo cáo dày 243 trang. Bản báo cáo này (được công bố vào ngày 29 tháng 11 năm 2011) là cơ sở để các công tố viên Na Uy đã từng phải nhận định Anders Behring Breivik “bị điên”. Thế nhưng ba nhà tâm lý học và một bác sĩ tâm thần đã từng theo dõi xuyên suốt các sinh hoạt thường thức của Anders Behring Breivik tại nhà tù Ila (cách 12km về phía Tây Oslo) có kết luận ngược lại, cho rằng kẻ thủ ác hoàn toàn tỉnh táo.

Kẻ khủng bố Anders Behring Breivik xuất hiện tại tòa với thái độ cực đoan phát xít (Getty Images)

Nếu bị chính thức kết luận là "mất trí" khi gây án, kẻ khủng bố tầm cỡ quốc gia này của Na Uy sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Và sẽ được chăm sóc tâm lý đặc biệt tại một bệnh viện tâm thần khép kín, thay vì phải ngồi tù. Còn nếu tòa án kết luận Anders Behring Breivik phạm tội trong tình trạng tỉnh táo, kẻ khủng bố sẽ phải “bóc lịch” 21 năm trong tù- số năm giam giữ tối đa dành cho tội danh khủng bố theo luật của Na Uy hiện hành (khung hình phạt tử hình đã bị hủy bỏ tại Na Uy kể từ năm 1979).

Sau khi khiến cho cả nền báo chí và tư pháp Na Uy có phần náo loạn trong cơn giận dữ của phần lớn công dân Na Uy, đột nhiên Anders Behring Breivik thông báo với luật sư của mình là muốn đổi lời khai- lời biện hộ trước khi ra tòa, nhằm mục đích: “Đó sẽ là cuộc tấn công thứ ba” vào chính phủ Na Uy! (sau bom nổ ở Oslo và xả súng bắn thảm sát ở đảo Utoya). Vì lượng “khán giả” trực tiếp ở “sân khấu” mà Anders Behring Breivik sắp ra mắt “trình diễn”, với hơn 770 người sống sót sau vụ thảm sát và gia đình của những nạn nhân xấu số (với nhiều học sinh- sinh viên là thành phần người nhập cư vào Na Uy), cùng 162 luật sư đại diện cho họ, sẽ có mặt tại phiên tòa thế kỷ.

Cuối cùng, như lịch sử tư pháp Na Uy đã lưu lại, Tòa án quận Oslo tuyên phạt Anders Behring Breivik 21 năm tù giam. Bản án này được đưa ra sau khi năm thẩm phán nhất trí rằng “sát thủ quốc gia” này không hề bị “mất trí”, theo đúng nguyện vọng của kẻ khủng bố. Về cơ bản, Anders Behring Breivik bị kết án giam cầm vô thời hạn, thụ án tại nhà tù Skien Prison (cách Oslo 150km về phía Nam).

TỘI ÁC, TRONG TỰ DO & NHÂN QUYỀN

Những tưởng sau khi bị kết án chính thức thì vụ việc liên quan “kẻ thù quốc gia” của Na Uy sẽ được khép lại, để dần dần hàn gắn vết thương chung của người dân Na Uy. Nào đâu, hơn hai năm sau kể từ lúc phạm tội khủng bố, thảm sát 77 mạng người vô tội và nhận án tù 21 năm, Anders Behring Breivik tiếp tục gây chấn động dư luận Na Uy và thế giới với việc đòi quyền nhập học ngành Khoa học chính trị của Đại học Oslo, vào năm 2013. Bộ trưởng giáo dục Na Uy Kristin Halvorsen đã bị chỉ trích, sau khi bà phát biểu rằng kẻ khủng bố Anders Behring Breivik nên bị cấm học hành ở trong tù!

Bởi luật pháp Na Uy thừa nhận rằng tất cả các tù nhân đều có quyền được làm việc và học tập, vậy nên “tù nhân thế kỷ” Anders Behring Breivik sẽ được quyền nghiên cứu chương trình đại học theo nguyện vọng, hẳn nhiên sẽ học từ xa và không được phép vào khuôn viên trường học, cũng như không được cấp bằng!

Sang năm sau, vào năm 2014, Anders Behring Breivik lại viết thư đe dọa tuyệt thực trong nhà tù nếu không được nâng cấp việc chơi game, vì các tù nhân khác có quyền truy cập các trò chơi dành cho người lớn, trong khi hắn buộc phải chơi những game “trẻ con”.

Đến năm 2016, Anders Behring Breivik lại có đơn kiện chính phủ Na Uy vì đã bị “đối đãi vô nhân đạo” trong nhà tù. Trong trường hợp tòa án Na Uy bác bỏ khiếu kiện của mình, Anders Behring Breivik sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền châu Âu. Bất kể có những nhận xét rằng điều kiện “ở tù” đối với “kẻ thù quốc gia” của Na Uy là khá tiện nghi, nếu so sánh ngay cả với các ký túc xá Mỹ! Khu nhà tù biệt lập của Anders Behring Breivik gồm ba buồng giam: sinh hoạt, học tập, và tập thể dục- theo AFP.

Thế là có một Phiên tòa dành riêng đã diễn ra tại nhà tù Skien (phía Nam thủ đô Oslo), với kết quả xử thắng cho “tù nhân 21 năm” này của Na Uy. Thẩm phán Helen Andenaes Sekulic cho biết quyền không bị đối xử vô nhân đạo cho thấy "giá trị cơ bản của một xã hội dân chủ" và nó cũng đương nhiên phải có hiệu lực với cả "kẻ sát nhân hay phần tử khủng bố"!

Trại giam tiện nghi dành cho tù- nhân- đặc- biệt như Anders Behring Breivik thật ra lại là điều bình thường tại Na Uy, đất nước tự hào về nhà tù tiến bộ của mình. Quốc gia này tập trung vào việc phục hồi nhân phẩm hơn là trừng phạt. Về điều này thì ngay cả một vài nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát “ngày 22 tháng 7” cũng thừa nhận, rằng phán quyết có lợi cho “kẻ thù quốc gia” đã chứng minh rằng Na Uy có “hệ thống pháp lý tôn trọng nhân quyền, kể cả khi tù nhân phạm tội nghiêm trọng”, đồng thời "Vũ khí tốt nhất trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan là bằng tinh thần nhân đạo".

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin