10 Tiểu Luận Harvard Xuất Sắc (Bài 7)

ByHOÀNG ANH

Ngày 14-08-2020 (GMT +7)

Chuyên san The Harvard Crimson (thuộc Đại học Harvard) đã đăng 10 bài tiểu luận xuất sắc năm 2019 của các em học sinh trung học thế giới khi nộp đơn xin vào Harvard, giúp tham khảo và học được cách viết một bài tiểu luận thành công nhằm có thể lọt vào cánh cửa cực khó của trường đại học danh tiếng này. Đọc những tiểu luận này giúp học thêm được kỹ năng tư duy cũng như “kỹ thuật” chọn vị trí để quan sát và diễn giải vấn đề sao cho đạt được sự thuyết phục cao nhất. TheNewViet xin giới thiệu bài thứ bảy...

Harvard Essay: Christopher

Khi tôi báo tin cho nhóm tình nguyện viên của mình, chúng tôi đang ở tầng hầm tại nhà thờ, dọn dẹp sau sự kiện cuối cùng của mùa hè. Tôi đã cố đơn giản hóa vấn đề. Tôi thúc vai cô Diana, trưởng khu vực, và nói: “Thử đoán xem tôi sẽ làm gì vào thứ Tư tới – dùng bữa trưa với Tổng thống đấy nhé”. Mặt cô bừng lên với nụ cười há hốc kinh ngạc. Trước khi tôi có thể níu lại, cô ấy đã hét toang “Christopher sẽ gặp Tổng thống Obama vào tuần tới”.

Eldred vất cây chổi xuống, Sheila bỏ đại những chiếc cốc rải rác trên sàn, những người khác thì ào đến với loạt câu hỏi tới tấp. Vâng, ban tổ chức đã chọn duy nhất tôi trong số tất cả tình nguyện viên chiến dịch mùa hè. À, tôi phải đưa mấy tấm ảnh cho mọi người xem. Không phải là chúng tôi đã có một đội ngũ hùng hậu nhất toàn quốc về số lượng công việc mà chúng tôi thực hiện đó sao: nào là gọi điện, đi đến từng nhà, tổ chức đăng ký cử tri, đến việc tổ chức bao nhiêu là sự kiện.

Tôi cảm thấy có lỗi khi cho họ biết chỉ có mỗi mình đi. “Tôi ước chi có thể đưa tất cả các bạn đi cùng. Các bạn đã thực hiện hầu hết các cuộc gọi, huy động cả bạn bè và người thân vào cuộc, và đã làm nên điều như thực tế đã chứng minh. Tôi chỉ có mặt để hỗ trợ mà thôi”. Những người bạn tâm tính thiện lương lập tức át giọng tôi. Melva bắt đầu lên tiếng, cố phát ra cho rõ từ cái khẩu trang cô đang mang. “Không cần cảm thấy khó xử đâu, Christopher. Bạn sẽ mang theo tất cả chúng tôi với những tấm ảnh trong túi bạn. Hãy đưa cho Barack xem khi bạn gặp ông ấy”.

Có một lúc, tôi thấy bối rối trước lời của cô ấy. Rồi tôi nhớ lại bài tập mà chúng tôi luyện trước bất kỳ hoạt động tình nguyện nào. Chúng tôi ngồi quanh và đưa ra lý do tại sao mình có mặt tại đây, sẵn sàng đồng hành cùng chiến dịch. Bằng cách đó, khi chúng tôi gặp “câu hỏi khó nhằn” qua điện thoại, chúng tôi sẽ được tiếp sức bởi sự vững tin của từng người và mục đích mà chúng tôi cùng chia sẻ. “Câu hỏi khó nhằn” là chiến thuật gì trong chiến dịch tranh cử của Obama nhằm thu hút sự ủng hộ hoặc lời cam kết đối với tình nguyện viên, biến các giá trị từ lý tưởng thành hành động cụ thể.

Trong quá trình làm việc cho chiến dịch, tôi được nhắc nhớ vị huấn luyện viên môn chạy việt dã, thầy Rob. Trước mỗi cuộc đua, từ giải đấu nhỏ đến các giải vô địch quốc gia, thầy Rob luôn vỗ vào túi quần. Chúng tôi nhìn đồng đội xếp hàng và cùng vỗ vào túi theo cách tương tự. Thầy Rob nhắc chúng tôi, và chúng tôi nhắc nhau rằng, tất cả bọn tôi đều đang mang theo “một cái thứ khỉ gió” trong túi trên suốt đường đua. “Cái thứ khỉ gió trong túi quần” là một ẩn dụ ám chỉ tất cả nỗ lực mà mọi vận động viên cần có để đạt được thành công. “Cái thứ khỉ gió” tồn tại như một phần hình thái tư tưởng của triết học Plato đối với người chạy việt dã cấp trung học, được kết hợp từ trạng thái tinh thần lẫn tổng số dặm mà bạn có thể chạy được. Mục tiêu của tôi trong cuộc đua là nắm bắt được hình thái lý tưởng và biến nó thành hiện thực hiện hữu.

Tôi muốn một nền giáo dục có thể giúp lấp đầy được những cái túi của mình. Và, có lẽ quan trọng hơn, giáo dục phải gợi ra những câu hỏi hóc búa đòi hỏi chúng ta phải sử dụng “cái thứ khỉ gió”; cùng lúc có thể tận dụng được các kinh nghiệm tổng hợp khi cùng làm việc nhóm để cuối cùng đạt được mục đích đơn nhất mà tất cả đều cùng hướng đến.

NHẬN XÉT CỦA TRƯỜNG

Thông qua hai ví dụ về công việc tình nguyện và trải nghiệm thi chạy việt dã, Christopher đã miêu tả sự am hiểu sâu sắc và tinh tế về khả năng lãnh đạo và sự cống hiến tận lực cho ý niệm làm việc tập thể.

Ở những đoạn mở đầu, cậu ấy mô tả thời điểm khi nói với các bạn tình nguyện viên về lời mời được gặp Tổng thống. Khoảnh khắc đó được biểu hiện như là thành tích cao nhất đạt được từ những nỗ lực mà Christopher có được với vai trò người tổ chức chiến dịch mùa hè giúp vận động chiến dịch tranh cử của Obama. Việc đề cập lời mời là chỉ dấu xác nhận vai trò lãnh đạo nổi bật và ấn tượng của cậu ấy; thêm nữa, việc nhắc tên các thành viên trong nhóm cho thấy việc làm của cậu ấy có nhiều ý nghĩa dù điều đó được thể hiện như một đóng góp cá nhân.

Xuyên suốt bài luận, Christopher biểu lộ niềm đam mê trong việc kiến tạo và trở thành một phần của cộng đồng, như thể đó không chỉ là mục tiêu như tự thân vốn dĩ mà còn là cách thức để mang lại thành công cho một tập thể. Cậu ấy muốn trau chuốt cho rõ hơn điều mình muốn nói khi nhắc đến “cái thứ khỉ gió trong túi quần”, bằng cách trình bày làm thế nào để một lý tưởng có thể biến thành hành động, minh chứng với những câu chuyện thành công từ hoạt động thiện nguyện lẫn chạy việt dã. Khi ám chỉ lời của vị huấn luyện viên, cậu ấy mở rộng  thêm quan điểm của mình về cộng đồng và kinh nghiệm sống. Cậu ấy nói về mục đích lẫn hành động, nhấn mạnh sự thành công cá nhân trong việc biến niềm tin và lý tưởng thành kết quả thực tế. Ở đoạn cuối, Christopher đưa ra một kết luận xúc tích và mạnh mẽ. Nó gắn kết hình thức trải nghiệm giáo dục mà cậu ấy tìm kiếm với tâm thế hiện thực hóa mục tiêu bằng tinh thần quyết liệt của mình.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin