10 tiểu luận Harvard xuất sắc (bài 6)

ByPHAN HOÀNG MY

Ngày 10-08-2020 (GMT +7)

Chuyên san The Harvard Crimson (thuộc Đại học Harvard) đã đăng 10 bài tiểu luận xuất sắc năm 2019 của các em học sinh trung học thế giới khi nộp đơn xin vào Harvard, giúp tham khảo và học được cách viết một bài tiểu luận thành công nhằm có thể lọt vào cánh cửa cực khó của trường đại học danh tiếng này. Đọc những tiểu luận này giúp học thêm được kỹ năng tư duy cũng như “kỹ thuật” chọn vị trí để quan sát và diễn giải vấn đề sao cho đạt được sự thuyết phục cao nhất. TheNewViet xin giới thiệu bài thứ sáu...

Harvard Essay: Julia

Lần đầu tiên tôi tình cờ biết đến tờ Newsweek là năm lớp 9. Điều đập vô mắt tôi trước tiên là cái nhãn hiệu: chữ in trắng viền đỏ, một gợi ý có những câu chuyện hệ trọng bên trong. Kiểu chữ thật đậm nét làm tôi ngập ngừng chút xíu, rồi tôi vội vàng lật những trang giấy bóng loáng.

Lạ chưa, ngay tức khắc tôi đã bị hớp hồn.

Một thế giới mới mở ra trước mắt tôi. Những bình luận xã hội sắc bén. Những xung đột của thế giới không bị làm đơn giản hóa đi. Những lời nhận xét rất duyên về các quyển sách đang bán chạy, những sự thật phơi bày đáng tranh cãi của các chính trị gia, những tin tức hấp dẫn của văn hóa đại chúng, và rất nhiều hình ảnh ngập tràn nguyên khổ giấy.

Giọng văn thì mới sang trọng, sắc bén và lôi cuốn làm sao. Nó phản ánh được sự tinh tế và thông minh của người viết. Khi dò tìm thông tin các tác giả, tôi không khỏi trầm trồ thán phục. Những bài báo được viết bởi những con người đầy khát vọng của thời đại. Họ là những chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lãnh vực, những tiến sĩ, thạc sĩ từ các trường đại học nổi tiếng thế giới. Những người có thể viết rất thông minh, ý kiến họ được trả tiền. Những con người mà bước đi có chủ đích và lối đi là ước mơ của chính mình. Những người mà ngay chính khoảnh khắc ấy tôi đã biết một ngày kia tôi cũng muốn được như họ.

Có học thức là như vậy đó, tôi tự nhủ. Tôi còn trẻ, tôi dễ có ấn tượng. Như một đứa bé đứng bên ngoài tiệm kẹo dán mũi vào cửa kính nhìn vô, tôi khao khát trở thành một phần của cái thế giới người lớn đầy chất xám ấy. Vì vậy tôi đọc kỹ tờ tạp chí từ đầu đến đuôi. Đọc đến hai lần. Và cứ mỗi từng trang lật qua, tôi lại có cảm tưởng như cái khờ khạo tỉnh lẻ của tôi vỡ tan từng mảnh, rồi từng mảnh nhỏ hơn.

Ngày hôm đó tôi thấy mình thấp bé làm sao. Tôi bối rối ngộ ra một điều: rằng tôi thật sự không biết gì mấy về thế giới bên ngoài. Tôi đó, một học sinh ưu tú của trường trung học cơ sở, 14 năm “học sinh giỏi” đã bị đốn gục bởi một thếp giấy mỏng này đây. Tôi đã từng quen được cảm thấy mình tài giỏi một cách đặc biệt, quen được nhận nhãn vàng và điểm cao, quen đạt điểm tối đa trong mỗi bài thi tiểu học đặt trước cây bút chì số 2 đầy tự mãn.

Tôi chưa bao giờ quen với cảm giác như mình đang ở trong Thời Kỳ Tăm Tối.

Cùng một lúc tôi đấu tranh tư tưởng để nhận ra một điều mà tôi không biết định nghĩa như thế nào. Tôi cảm thấy mình được... giải thoát. Tôi cảm thấy như thể mình vừa được hít vào một luồng gió mới. Nó căng đầy lồng ngực và rất thơm ngon, như thể đó là làn gió đầu tiên tôi hít thở mà chưa bao giờ biết không khí ngọt ngào đến vậy. 

Và thế là đã có một sự thay đổi lớn: việc đọc tạp chí Newsweek đã làm khơi dậy trong tôi lòng hiếu học vốn có.  Nói gọn lại, nó đã lấp một cái hố sâu trong tâm hồn mà tôi không hề hay biết cái hố ấy từng tồn tại. Nó cũng châm ngòi một điều gì đó trong tôi - một chút thách đố, một sự từ chối chấp nhận bằng lòng với chính mình. Con người đã nếm trái cấm rồi, tôi biết mình không còn quay đầu lại được nữa.

Bây giờ nghĩ lại, lúc đó mặc dù việc đọc tờ tạp chí dường như không có kết cục như mong muốn, thế nhưng nó đã là một trong những khoảnh khắc định hướng rõ nét nhất của tuổi niên thiếu tôi. Cái ngày quá đỗi đặc biệt đó đã bắt đầu cho những ngày nhiều biến chuyển tiếp theo - những ngày tôi cố vượt lên chính mình, nhảy cao hơn một chút, mạo hiểm ra khỏi chốn quen để đến những vùng đất xa lạ, những ngày tôi đi từ thất bại này sang thất bại khác để rồi thành công khi tôi không ngờ nhất, những ngày tôi những ngày tôi dệt ước mơ từ con số không, chứng kiến nó sụp đổ, rồi lại xây lên lại. Ngoảnh qua ngoảnh lại, ngày nối dài thành năm, cuộc đời tôi cho đến hôm nay là như vậy.

Mười bốn tuổi, tôi thoáng thấy được mức đến của mình. Lúc đó dường như nó cao vời vô tận, cho đến khi nó trở thành chỉ vừa bên ngoài tầm tay tôi chút thôi.

Thật đáng buồn, tạp chí Newsweek ngưng xuất bản từ ngày 1-1-2013. Nghe thì cũng ngộ, nhưng tôi sẽ luôn luôn mắc nợ với một tờ tạp chí đã không còn xuất bản, vì chính nó đã giúp tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. 

NHẬN XÉT CỦA TRƯỜNG

Ở đây kỹ năng mạnh nhất của Julia là ngôn ngữ đanh thép và lối sử dụng ẩn dụ rất thơ. Một trong những đoạn nổi bật trong bài viết là cách cô diễn tả việc đọc tạp chí Newsweek đã làm cô cảm thấy mình thấp bé lại, thấy rằng cô đã từng quen với cảm giác mình là người “tài giỏi” nhưng giờ thấy như mình sống trong Thời Kỳ Tăm Tối. Câu trả lời của cô về động cơ thúc đẩy rất đúng, diễn tả chính xác sự việc xảy ra đã đánh dấu một bước chuyển biến từ trẻ con qua người lớn như thế nào. Julia có thể mô tả chi tiết hơn vì sao việc chú ý đến tờ Newsweek là một điều cô không ngờ tới. Cô cũng có thể chọn một kết luận phản ánh tốt hơn và sâu sắc hơn để kết thúc bài luận văn rất hay này. Chắc chắn là có một sự trớ trêu giữa một “tờ tạp chí đã ngưng xuất bản” lúc đó và “bản tính hiếu học” mà đáng lẽ ra phải được cô khai thác sâu hơn.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin