10 tiểu luận Harvard xuất sắc (bài 5)

ByPHAN HOÀNG MY

Ngày 26-07-2020 (GMT +7)

Chuyên san The Harvard Crimson (thuộc Đại học Harvard) đã đăng 10 bài tiểu luận xuất sắc năm 2019 của các em học sinh trung học thế giới khi nộp đơn xin vào Harvard, giúp tham khảo và học được cách viết một bài tiểu luận thành công nhằm có thể lọt vào cánh cửa cực khó của trường đại học danh tiếng này. Đọc những tiểu luận này giúp học thêm được kỹ năng tư duy cũng như “kỹ thuật” chọn vị trí để quan sát và diễn giải vấn đề sao cho đạt được sự thuyết phục cao nhất. TheNewViet xin giới thiệu bài thứ năm...

Harvard Essay: Reginald

Đọc những tin nhắn đầu tiên tới - “Cậu ở đâu? Nghỉ chơi rồi” - tôi ngoác miệng cười, hai chân chống vào thân cây, lưng ngả dài theo cái nhánh nghiêng bự nhất. Tôi treo người tòn ten, chuyền cành nhảy xuống đất. Với mặt không giấu nổi vẻ khoái trá, tôi đi trở về phía đám bạn đang ngồi trên chiếc xích đu xa khuất đằng kia. Tối nay chúng tôi chơi trò săn bắt cướp, một dạng kết hợp của trốn tìm và rượt bắt, cho ra vẻ “xứng đáng” với độ tuổi chúng tôi.

Thấy tôi đến gần phía xích đu, Marx gọi lớn: “Cậu thắng rồi đó. Cậu trốn ở đâu?”. “Cái cây đằng kia kìa”, tôi trả lời. “Cậu leo lên cây à?” - Jack cười to, gương mặt lộ vẻ ngạc nhiên. Khi tập tành chơi trò săn bắt cướp này, trước giờ chúng tôi chỉ chơi dưới đất. Bọn bạn khoái chí khi nhận ra rằng tôi đã đưa trò chơi này lên một độ cao mới theo đúng nghĩa đen của nó.

Leo lên cây ngồi chỉ là một điều khá ngớ ngẩn, nhưng tôi không thể tránh khỏi cảm giác hồi hộp thích thú vì đã tìm ra một chỗ núp mới và làm thay đổi trò chơi. Bằng sáng kiến leo cây này, trò săn bắt cướp châm ngòi cho ước muốn thôi thúc tìm tòi cái mới và tính ưa cạnh tranh của tôi. Những điều này tôi luôn có trong niềm đam mê theo đuổi âm nhạc, văn hóa và thể thao, và tôi đã mang theo về trong khoảnh sân nhà của Jack.

Tôi luôn tìm tòi những góc nhìn mới, những cái cây mới để leo trong mọi việc tôi làm. Khi ứng tấu trong ban nhạc jazz, tôi thích khoe những nhấn nhá ngân nga. Tôi và các thành viên trong ban nhạc kiên trì tìm chơi cho được một bài “độc tấu hoàn chỉnh”. Mặc dù biết điều đó chẳng thể có được, chúng tôi luôn cố tìm một khoảnh khắc xuất thần nắm bắt được cái hồn của bản nhạc để thể hiện nó trong phần ứng tấu của mình. Và mặc dù cả nhóm chúng tôi cùng tiến bộ chung, mỗi cá nhân đều tự hào về nét âm nhạc rất riêng của mình. Chính cái thử thách làm sao để quyện chung nhiều sắc thái của jazz thành một bản hòa tấu hài hòa với nhau là lý do làm cho tôi thích chơi trong ban nhạc.

Lớp học cũng mang đến nhiều góc nhìn mới. Những bài học mỗi ngày gợi trí tò mò của tôi, khi tôi nghiên cứu thế giới theo nhiều phương diện khác nhau: vật lý, lịch sử hay chính trị. Đó là giọng hào hứng của thầy dạy môn vật lý khi bảo chúng tôi sét đánh từ dưới mặt đất lên và thần Zeus chỉ là chuyện bịa đặt, hoặc là cái im lặng đầy kìm nén bao trùm khi một bạn trong lớp đọc lá thư của người lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam gửi về cho gia đình, đã làm tôi hoàn toàn bị thuyết phục.

Trong khi đó, mỗi khi nghe đếm trước lệnh xuất phát, là cái máu thi đua trong người tôi lại bùng lên, cho dù đó là một khoảnh nhịp trước khi độc tấu jazz, hay vài giây trước khi cuộc đua thuyền bắt đầu. Khi tôi ở biển, tiếng kêu bíp bíp của cái đồng hồ làm tôi chỉ nghĩ đến gió và sóng trước mặt. Tôi cố đoán trước cuộc đua, hình dung ra những thay đổi của chiều gió và đường đi của đội thuyền. Khi tiếng đập thình thịch của trái tim tôi hoàn toàn lấn át những ý nghĩ trong đầu và tôi như rơi vào nhịp chuyển động của con thuyền, thì đó chính là lúc tôi biết mình đang tranh đua quyết liệt nhất.

Tương tự, ước muốn chiến thắng của tôi cũng trỗi dậy từ những trận đá banh bằng những cú chuồi banh để bảo vệ khung thành. Mặc cho ánh mắt lạnh như thép của đối phương và tiếng hò reo vang dội từ khán đài như muốn làm tôi chia trí, khát vọng chiến thắng và niềm tự hào thay mặt cho trường đã làm ý chí tôi cứng rắn hẳn lên trên sân cỏ và hăng say hơn trong tập luyện.

Càng mê cạnh tranh và càng thích đổi mới bao nhiêu, thì niềm vui chiến thắng càng cao quý bấy nhiêu khi có tình đồng đội giữa những người cùng đoạn hành trình với tôi: bạn bè, bạn cùng ban nhạc, bạn cùng đội banh. Ý chí phấn đấu vượt qua chính mình và vươn tới nhánh cây cao hơn chỉ là phần gốc của ước vọng chiến thắng trong thể thao và những đam mê trong âm nhạc của tôi. Những mối quan hệ cá nhân và những kinh nghiệm tôi có được mới là những phần thưởng quý giá hơn tất thảy. Ngay cả như trong những trò chơi thường nhật như trốn tìm hay đuổi bắt, tôi muốn thắng, muốn đổi mới, tôi cũng tạo ra được những tình thân nối dài hay những kỷ niệm đẹp mà nhờ vậy nó trở thành một cuộc chơi tử tế tốt đẹp hơn là chỉ thuần tuý kẻ thắng người thua. Đó mới là niềm vui thật sự của trò săn bắt cướp.

NHẬN XÉT CỦA TRƯỜNG

Mở bài với việc nhận được tin nhắn và hình ảnh “hai chân chống vào thân cây, lưng ngả dài tựa theo cái nhánh nghiêng bự nhất”, ngay lập tức Reginald đưa độc giả vào không gian của cậu ấy. Giọng văn tác giả trong trẻo nhẹ nhàng nhưng đầy tự tin, nhiều ẩn dụ được sử dụng nhịp nhàng.

Cách Reginald chọn những chi tiết - cười ngoác miệng, treo tòn ten, và cách giải thích trò chơi săn bắt cướp một cách giỡn chơi - vừa tả thực lại vừa phác hoạ được tính cách của cậu ấy. Reginald cho chúng ta thấy, chứ không tự nói, tính cách đầy sáng tạo của cậu ấy qua cách kể lại cậu ấy đã thắng trong trò chơi săn bắt cướp như thế nào. Sau khi kể một giai thoại vui và nhân tính hóa chính mình, cậu ấy bắt đầu kết nối trò chơi rộng ra hơn tới “những niềm đam mê theo đuổi âm nhạc, văn hóa và thể thao”. Câu chuyện về ứng tấu khi chơi nhạc jazz của cậu ấy chẳng những biểu lộ sự trân trọng của cậu ấy đối với nghệ thuật, mà còn cho thấy cậu ấy có khả năng cộng tác với những người khác và trân quý công việc lao động nghê thuật của họ.

Những chi tiết về sự hiếu kỳ trong việc học văn hóa của tác giả càng khẳng định tính chân thật, làm mạnh thêm lý lẽ của tác giả hơn là chỉ một câu nói suông về tính hiếu kỳ của mình. Tương tự, nhờ hình ảnh Reginald đưa ra thảo luận khi đua thuyền hay đá banh đã làm độc giả chú ý theo dõi, chúng ta càng thấy rõ hơn chúng thật sự là những niềm đam mê của Reginald chứ không chỉ là những điều làm màu cho bản sơ yếu lý lịch của cậu ấy.

Để cân bằng hơn trong việc nhấn mạnh mình thích tranh đua, Reginald khép lại bài tiểu luận bằng những lời trân trọng bạn bè và đồng đội. Chúng ta thấy được ý chí thi đua bắt nguồn từ khát vọng luôn luôn hoàn thiện chính mình của cậu ấy. Và khi quay trở lại với hình ảnh trốn tìm, Reginald đã khép lại một cách tròn trịa chủ đề bài viết của mình.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin